DetailController

Uỷ ban nhân dân Tỉnh

Triển khai Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh

09/10/2022 00:00
Ngày 06/10/2022, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 174/KH-UBND về thực hiện Quyết định số 809/QĐ-TTg ngày 12/7/2022 của Thủ tưởng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.
Chi Cục kiểm lâm Hòa Bình phối hợp với lực lượng bảo vệ rừng tại xã Tử Nê huyện Tân Lạc.

Kế hoạch nhằm tạo sự chuyển biến căn bản trong nhận thức, hành động của cấp ủy đảng, chính quyền, hệ thống chính trị và của toàn xã hội về vai trò quan trọng của bảo vệ và phát triển rừng với phát triển bền vững kinh tế, xã hội và môi trường; ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về Lâm nghiệp. Phấn đấu đến năm 2025, bảo vệ tốt toàn bộ diện tích rừng ngoài khu vực II, khu vực III bao gồm: 1.883,54 ha rừng đặc dụng; 32.306,92 ha rừng phòng hộ và 48.294,950 ha rừng sản xuất. Phát triển khoảng 25.000 ha rừng, chăm sóc 90.000 lượt ha rừng. Năng suất rừng trồng bình quân khi khai thác chính đạt 90-100m3/ha gỗ bình quân; khai thác gỗ từ rừng trồng đạt 450 nghìn m3/năm. Tiếp tục thu hút các doanh nghiệp chế biến có công nghệ hiện đại, tạo ra các sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao, giảm tỉ trọng các sản phẩm sơ chế, chế biến thô. Thúc đẩy sản phẩm chế biến xuất khẩu, phấn đấu bình quân mỗi năm giá trị xuất khẩu tăng từ 5% trở lên.

Để đạt được mục tiêu trên, Ủy ban nhân dân tỉnh đã nêu rõ 9 giải pháp cụ thể thực hiện, gồm: Hoàn thiện cơ chế, chính sách; tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật;  quản lý quy hoạch rừng và đất lâm nghiệp; kiện toàn, đổi mới tổ chức sản xuất; khoa học, công nghệ và khuyến lâm; phát triển nguồn nhân lực; hợp tác quốc tế và xúc tiến thương mại; huy động các nguồn vốn; lồng ghép, phối hợp với các Chương trình khác, quản lý điều hành thực hiện Chương trình, Tiểu Dự án.

Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp các Sở, ngành, địa phương và cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức triển khai thực hiện toàn diện kế hoạch. Theo dõi, đôn đốc tình hình thực hiện nhiệm vụ của các địa phương, đơn vị được phân công, kịp thời tham mưu, điều chỉnh, bổ sung các nội dung của Kế hoạch cho phù hợp với thực tiễn. Chỉ đạo việc rà soát, xây dựng, điều chỉnh các đề án, dự án liên quan đến lĩnh vực Lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh; kiểm tra, giám sát, nghiệm thu kết quả thực hiện các hạng mục bảo vệ và phát triển rừng theo quy định.

Các sở, ban, ngành căn cứ chức năng nhiệm vụ triển khai thực hiện công tác quản lý đất lâm nghiệp theo đúng quy hoạch sử dụng đất được duyệt; hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện trình tự, thủ tục giao đất, cho thuê, chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất lâm nghiệp.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các Tổ chức, Đoàn thể đẩy mạnh các hoạt động tham gia công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; vận động nhân dân, đoàn viên, hội viên gương mẫu chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, tích cực tham gia thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch.

Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chủ động phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Ban ngành có liên quan, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, chủ động, trách nhiệm trong quá trình triển khai thực hiện các nội dung của Kế hoạch này, đảm bảo thiết thực, có tính khả thi cao, phù hợp với lợi thế và sát với tình hình thực tế tại địa phương. Vận dụng linh hoạt cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh để khuyến khích thu hút đầu tư cho phát triển lâm nghiệp trên địa bàn.

Chủ rừng bảo vệ và phát triển rừng hiện có, khai thác hợp lý, đúng đối tượng, sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên rừng được giao quản lý sử dụng theo quy định./.