Ngày 30/11, tại xã Hợp Hòa, Hội nông dân huyện Lương Sơn đã phối hợp với Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam tổ chức lễ tổng kết và trao chứng chỉ nghề canh tác nông nghiệp hữu cơ cho 190 học viên nông dân của 3 xã Hợp Hòa, Cư Yên và Thành Lập. Đây là chương trình đào tạo nằm trong dự án “Tăng cường cơ cấu sản xuất và tiếp thị cho sản phẩm nông nghiệp hữu cơ” tại các tỉnh phía Bắc của Việt Nam giai đoạn 2016 – 2019 trên địa bàn huyện Lương Sơn (viết tắt là MOAP). Tới dự và chứng kiến buổi lễ có ông Nguyễn Trường Phong - Ủy viên BCH hội nông dân Việt Nam – chủ tịch Hội nông dân tỉnh Hòa Bình, ông Trần Ngọc Thanh – Phó chủ tịch Hiệp Hội nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, lãnh đạo huyện Lương Sơn, đại diện ban quản lý dự án, các cơ quan chuyên môn của huyện, lãnh đạo 3 xã Hợp Hòa, Cư Yên, Thành Lập và 190 học viên tham gia khóa học.
Để đào tạo cho 190 học sinh nông dân trên địa bàn có đủ điều kiện được cấp chứng chỉ nghề canh tác nông nghiệp hữu cơ, từ tháng 8/2016, Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam đã phối hợp với Hội nông dân huyện Lương Sơn và Trường Cao đẳng NN& PTNT Bắc Bộ tổ chức triển khai đồng thời 6 lớp tập huấn sản xuất rau theo phương pháp hữu cơ tại địa bàn 3 xã Hợp Hoà, Cư Yên và Thành Lập.
Trong thời gian 4 tháng, các học viên đã được các giảng viên của trường Cao đẳng Nông Nghiệp và phát triển nông thôn Bắc Bộ truyền đạt toàn bộ quy trình, kỹ thuật trong sản xuất rau hữu cơ theo phương pháp hiện trường; Qua đó, các học viên nông dân đã nắm được những kiến thức cơ bản như: Nông nghiệp hữu cơ là gì? Vì sao phải canh tác theo phương pháp nông nghiệp hữu cơ; các nguyên tắc, tiêu chuẩn hữu cơ mà người sản xuất bắt buộc phải tuân thủ như: không được dùng phân, dùng thuốc có nguồn gốc hóa học mà phải sử dụng phân ủ, thuốc thảo mộc; cách cải tạo, phục hồi độ phì nhiêu cho đất; kỹ thuật trồng và chăm sóc cây rau; cách làm các chế phẩm thảo dược để phòng trừ, xua đuổi sâu hại; phương pháp thu hoạch, sơ chế, bảo quản nông sản hữu cơ…
Kết thúc lớp học, 100% học viên đã được cấp chứng chỉ nghề canh tác nông nghiệp hữu cơ. Trong đó học viên khá giỏi chiếm 90%. Đây sẽ là cơ sở để hội viên nông dân áp dụng các kiến thức đã học vào trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nhằm nâng cao đời sống, bảo vệ sức khỏe, bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng nông thôn mới và góp phần phát triển thương hiệu nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn./.