Theo báo cáo của UBND tỉnh, trong giai đoạn 2017 – 2021, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 06 ổ dịch bệnh Dại, với 07 trường hợp tử vong. Trong đó, năm 2018 có số người tử vong cao nhất, với 04 trường hợp tại các huyện Kỳ Sơn (cũ), Lương Sơn, Cao Phong và Đà Bắc; năm 2019 có 02 trường hợp, năm 2020 có 01 trường hợp đều xảy ra ở huyện Lương Sơn. Tất cả các ổ dịch được phát hiện sau khi có trường hợp người tử vong do Dại. Đồng thời cũng ghi nhận tổng số
người đi tiêm phòng và điều trị phơi nhiễm với bệnh Dại tại các cơ sở Y tế là 9.733 người; chi phí cho điều trị dự phòng cũng như các chi phí phát sinh khác cho người đi tiêm phòng và điều trị phơi nhiễm với bệnh Dại khoảng 9,7 tỷ đồng.
Những năm qua, UBND tỉnh, ngành chức năng đã ban hành nhiều văn bản, triển khai thực hiện nhiều giải pháp để phòng chống bệnh Dại. Hằng năm, các địa phương triển khai chiến dịch tiêm phòng 2 đợt chính vào tháng 3 – 4 và tháng 9 – 10, đảm bảo mỗi con chó mèo được tiêm 1 lần/năm và cấp giấy chứng nhận tiêm phòng Dại cho 100% chó, mèo được tiêm. Tuy nhiên, nếu như ở đầu giai đoạn (năm 2017) tỷ lên tiêm vắc xin phòng dại đạt trên 77% tổng đàn thì về cuối giai đoạn, tỷ lệ tiêm đạt ngày càng thấp. Cụ thể, năm 2018 và 2019 chỉ đạt hơn 69% tổng đàn; năm 2020 chỉ đạt 58,4%, còn 5 tháng đầu năm 2021 là 56,56% tổng đàn.
Tại hội nghị, các địa phương đã trình bày những khó khăn, vướng mắc và thảo luận về các giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống bệnh Dại trong giai đoạn tới.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, bệnh Dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm lây từ động vật sang người; nguy cơ bùng phát cao nếu không thực hiện tốt các biện pháp, nhất là tiêm vắc xin phòng Dại cho đàn chó, mèo. Trong thời gian tới, đồng chí đề nghị đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến các văn bản pháp luật, các chính sách của Nhà nước về phòng, chống bệnh Dại; quy định về nuôi chó, trách nhiệm của người nuôi chó và quản lý chó nuôi. Phối hợp liên ngành truyền thông về chiến dịch tiêm phòng, đặc biệt trong tháng cao điểm tiêm phòng bệnh Dại. Tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về sự nguy hiểm của bệnh Dại và các biện pháp phòng chống bệnh Dại ở người. Nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân sử dụng các phương pháp chuyên môn kỹ thuật y tế chưa được công nhận, sử dụng thuốc (bao gồm cả thuốc đông y, bài thuốc cổ truyền, gia truyền) chưa được phép lưu hành để khám, điều trị cho người bị bệnh Dại hoặc người bị chó, mèo cắn.
Hàng năm, phát động tháng cao điểm tiêm phòng vắc xin Dại cho đàn chó, mèo vào tháng 3-4 và tháng 9-10; thường xuyên tiêm bổ sung cho chó mèo bị bỏ sót hoặc mới phát sinh đảm bảo mỗi con chó, mèo được tiêm 01 lần vắc xin Dại/năm theo hình thức xã hội hóa; tỷ lệ tiêm phòng ít nhất đạt 80% tổng đàn (100% trong diện tiêm); cấp giấy chứng nhận tiêm phòng theo quy định. Đề nghị chính quyền địa phương vào cuộc quyết liệt chỉ đạo công tác phòng bệnh Dại cho chó, mèo, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm trong công tác phòng, chống bệnh Dại động vật. Các địa phương chủ động phối hợp với cơ quan chuyên môn, đề xuất và xây dựng vùng an toàn dịch bệnh Dại, đặc biệt là những khu du lịch, khu vực thành phố, khu đông dân cư.