DetailController

Nông, Lâm, Ngư Nghiệp

Tình hình thực hiện các chỉ tiêu sản xuất nông nghiệp 5 tháng đầu năm

20/05/2022 00:00
5 tháng năm 2022, thời tiết tương đối thuận lợi cho bà con nông dân thu hoạch các loại cây trồng vụ Đông và gieo trồng cây vụ Xuân; tình hình sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh được duy trì phát triển. Tốc độ tăng trưởng GRDP ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản đến hết quý I đạt 4,16%; ước 6 tháng đầu năm đạt 5,33%, dự báo đến cuối năm đạt kế hoạch đề ra; tỷ lệ che phủ rừng được duy trì ổn định 51,5%, bình quân tiêu chí nông thôn mới toàn tỉnh đạt 15,5 tiêu chí/xã; tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đến hết quý I là 95,41%, dự báo đến cuối năm đạt kế hoạch đề ra.
Tổng sản lượng cá thu hoạch trong 5 tháng ước đạt 5,1 nghìn tấn, trong đó sản lượng cá nuôi trên 4,3 nghìn tấn

5 tháng đầu năm, các địa phương đã tích cực gieo cấy lúa tập trung, chăm sóc, áp dụng các biện pháp để phòng trừ các đối tượng dịch hại; hiện lúa trà sớm chắc xanh - đỏ đuôi, lúa trà chính vụ - trà muộn trỗ - phơi màu. Dự kiến năng suất tương đương vụ xuân 2021, ước đạt 58,8 tạ/ha, sản lượng ước đạt khoảng 97,64 nghìn tấn. Cây ăn quả có múi: nhiều diện tích cây có múi đã già cỗi, bị sâu bệnh nên chặt bỏ và cần một thời gian dài cải tạo đất trước khi được trồng mới. Đến cuối năm 2021, diện cây ăn quả có múi toàn tỉnh đạt 9.687 ha trong đó diện tích kinh doanh đạt 7.429 ha; sản lượng niên vụ 2021-2022 đạt 166,7 nghìn tấn. Hiện nay cam chín muộn (cam V2) đã cuối vụ thu hoạch; vườn kiến thiết phát triển thân - lộc thành thục; vườn kinh doanh phát triển quả ổn định.

Việc áp dụng cơ giới hóa trong làm đất lúa và cây màu đạt tỷ lệ cao trên 90% trong đó đối với lúa trên 95%; cây màu đạt trên 80%. Tỷ lệ áp dụng cơ giới hóa trong gieo cấy đạt thấp trên 20%; cơ giới hóa trong thu hoạch lúa đạt trên 55%.

Cơ cấu cây trồng tiếp tục được chuyển đổi theo hướng đáp ứng nhu cầu của thị trường, định hướng chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang cây có giá trị kinh tế. Từ đầu năm đến nay toàn tỉnh chuyển đổi được trên 1.300 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các cây trồng khác. Một số cây trồng được trồng chuyển đổi chủ yếu gồm: Ngô; rau đậu các loại (bí xanh, bí đỏ...); mía và một số cây trồng hàng năm khác.

Tổng đàn gia súc 707,7 nghìn con, trong đó: đàn trâu 115.400 con bằng 99,7% so với cùng kỳ, đàn bò 87.438 con bằng 103,11% so với cùng kỳ, đàn lợn 453.489 con bằng 102,41% so với cùng kỳ, đàn dê 51,38 nghìn con bằng 100,02% so với cùng kỳ. Đàn gia cầm 8.310 nghìn con bằng 103,98% so với cùng kỳ. Nhìn chung tình hình phát triển chăn nuôi trong 5 tháng qua trên địa bàn tỉnh được duy trì ổn định.

Trong tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2022 các chỉ số môi trường tương đối ổn định. Việc nuôi lồng bè trên hồ thủy điện diễn ra thuận lợi, cá phát triển tốt. Tổng diện tích nuôi cá ao hồ là 2.700 ha và 4.700 lồng nuôi cá, so với cùng kỳ diện tích, lồng nuôi cá không tăng. Người dân tập trung chăm sóc, thu hoạch cá thịt. Tổng sản lượng cá thu hoạch trong 5 tháng ước đạt 5.152 tấn, trong đó sản lượng cá khai thác 798 tấn, sản lượng cá nuôi 4.354 tấn.

Trong 5 tháng, toàn tỉnh đã trồng được 2.143,62 ha rừng trồng tập trung và 408,776 nghìn cây phân tán trong đó tháng 5 trồng được 712,2 ha rừng trồng tập trung và 125,31 nghìn cây phân tán. Tổng thu nhập từ rừng của các tổ chức, hộ gia đình trên địa bàn toàn tỉnh 5 tháng năm 2022 ước đạt là 325.216,7 triệu đồng trong đó tháng 5 ước đạt 83.071 triệu đồng. Có 214 cơ sở chế biến lâm sản với khối lượng sản xuất trong kỳ, giá trị hàng hóa ước đạt trong kỳ 719.785,1 triệu đồng.

Công tác bảo vệ rừng, phòng, chống cháy rừng được tăng cường. Từ đầu năm chỉ xảy ra 3 vụ cháy rừng với tổng diện tích 1 ha, các đám cháy đã được kịp thời phát hiện và huy động lực lượng tại chỗ khống chế.

5 tháng năm 2022, thiên tai đã gây thiệt hại trên địa bàn 10 huyện, thành phố, số hộ dân bị ảnh hưởng là 206 hộ (784 người), thiệt hại về nhà ở: Tổng số nhà bị thiệt hại, di dời là: 211 nhà, trong đó: thiệt hại hoàn toàn trên 70% là 04 nhà. Thiệt hại về Nông, lâm nghiệp: Tổng diện tích lúa, hoa màu, cây trồng hàng năm, cây ăn quả bị thiệt hại khoảng 166,224 ha, thiệt hại về chăn nuôi: 620 con gia súc bị chết và một số công trình công cộng, giao thông, thuỷ lợi bị hư hỏng; đổ gẫy 16 cột điện hạ thế. Ước giá trị thiệt hại khoảng 13,9 tỷ đồng.

Đến nay tỉnh Hòa Bình toàn tỉnh có 65 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 50,4% số xã trên địa bàn tỉnh, bình quân tiêu chí các xã trên địa bàn tỉnh đạt 15,67 tiêu chí/ xã (tăng 0,07 tiêu chí so với thời điểm 31/12/2021), có 20 xã nông thôn mới nâng cao, 60 Khu dân cư kiểu mẫu, 170 vườn mẫu. Thành phố Hòa Bình hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2018, huyện Lương Sơn đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019, huyện Lạc Thủy đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020./.