DetailController

Nông, Lâm, Ngư Nghiệp

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 02 của BCH Đảng bộ tỉnh về xây dựng nông thôn mới

26/09/2016 00:00
Sau 5 năm triển khai, thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU, ngày 07/6/2011 của BCH Đảng bộ tỉnh về xây dựng nông thôn mới tỉnh giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020, tỉnh Hòa Bình đã đạt được những kết quả toàn diện. Các cấp ủy, chính quyền và cả hệ thông chính trị tích cực, chủ động, sáng tạo trong triển khai thực hiện. Bộ máy chỉ đạo thực hiện Chương trình được hình thành khá đồng bộ, thống nhất từ tỉnh đến cơ sở; nhiều cơ chế chính sách được ban hành có tác dụng thiết thực và trở thành động lực thúc đẩy tiến độ. Xây dựng nông thôn mới được phát triển theo quy hoạch và đề án; nông nghiệp phát triển ổn định, cơ cấu chuyển dịch đúng hướng, phù hợp xu thế phát triển chung của tỉnh. Các chỉ tiêu được giao theo Nghị quyết 02 đều cơ bản đạt và vượt kế hoạch, đặc biệt đến nay tỉnh đã có 31 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 16,23%, vượt 1,23%).

Ngay sau khi Nghị quyết số 02 được ban hành, 11 huyện, thành phố đã khẩn trương xây dựng các văn bản triển khai theo các nội dung chỉ đạo. Đã có 06 huyện (Lạc Sơn, Kỳ Sơn, Kim Bôi, Lạc Thủy, Mai Châu, Tân Lạc) ban hành Nghị quyết chuyên đề; thành phố Hòa Bình ban hành Chỉ thị thực hiện; huyện Lương Sơn ban hành Chương trình hành động; 03 huyện (Yên Thủy, Cao Phong, Đà Bắc) ban hành Kế hoạch về xây dựng nông thôn mới. HĐND tỉnh ban hành 13 Nghị quyết về quy hoạch, kế hoạch, đề án, chính sách trong đó có nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới. UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh ban hành trên 320 văn bản. Các sở, ban, ngành, đơn vị thành viên Ban Chỉ đạo 800 tỉnh ban hành trên 600 văn bản chỉ đạo.

Toàn tỉnh đã tập trung huy động các nguồn lực với tổng nguồn vốn là 9.773,68 tỷ đồng, đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu nông thôn theo quy hoạch ngày càng khang trang, hiện đại, nổi bật là đầu tư phát triển giao thông, thủy lợi, điện, trường học, trạm y tế, cơ sở vật chất văn hóa theo sát với chỉ đạo của Nghị quyết số 02. Đến nay, so với năm 2011, có 52/191 xã đạt chiêu chí về Giao thông, tăng 51 xã; 108/191 xã đạt tiêu chí về Thủy lợi, tăng 105 xã; 149/191 xã đạt tiêu chí về Bưu điện, tăng 61 xã; 37/191 xã đạt tiêu chí về Cơ sở vật chất văn hóa, tăng 37 xã; 159/191 xã đạt tiêu chí về Điện nông thôn, tăng 130 xã; 122/191 xã đạt tiêu chí về Chợ nông thôn, tăng 30 xã; 106/191 xã đạt tiêu chí về Nhà ở dân cư, tăng 99 xã; 58/191 xã đạt tiêu chí về Trường học, tăng 44 xã; 113/191 xã đạt tiêu chí về Văn hóa, tăng 78 xã; 160/191 xã đạt tiêu chí về Giáo dục, tăng 94 xã; 184/191 xã đạt tiêu chí Tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên, tăng 175 xã; 76/191 xã đạt chuẩn Bộ tiêu chí quốc gia về y tế, tăng 53 xã; 57/191 xã đạt tiêu chí về Môi trường, tăng 55 xã; 107/191 xã đạt tiêu chí Hình thức tổ chức sản xuất, tăng 90 xã; 93/191 xã đạt tiêu chí Thu nhập, tăng 71 xã; 80/191 xã đạt tiêu chí Tỷ lệ hộ nghèo, tăng 50 xã; 167/191 xã đạt tiêu chí về Hệ thống tổ chức chính trị xã hội, tăng 62 xã; 161/191 xã đạt tiêu chí về An ninh trật tự xã hội.

Phát huy những kết quả đạt được, tỉnh Hòa Bình tiếp tục thực hiện tốt mục tiêu chung của Nghị quyết số 02 về xây dựng nông thôn mới. Phấn đấu đến năm 2020, số xã đạt chuẩn nông thôn mới là trên 40%, có từ 1 - 2 huyện, thành phố được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân các xã toàn tỉnh đạt 15,5 tiêu chí/xã và không có xã nào đạt dưới 10 tiêu chí, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt trên 35 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo bình quân 3%/năm.

Để đạt được mục tiêu trên, thời gian tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền trong tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, phát huy cao sự tham gia tích cực chủ động của nhân dân và sự quan tâm của toàn xã hội trong xây dựng nông thôn mới. Có cơ chế đặc thù hỗ trợ xây dựng nông thôn mới ở các vùng cao, vùng sâu, đặc biệt khó khăn xuất phát điểm thấp. Huy động, lồng ghép các nguồn lực nâng cấp cơ sở hạ tầng thiết yếu, nhất là cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế. Tận dụng, nâng cấp các công trình hiện có, bảo tồn công trình lịch sử, văn hóa. Chú trọng thực hiện nội dung phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập của dân cư nông thôn, giảm nghèo bền vững gắn với thực hiện chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trên địa bàn. Tổ chức chỉ đạo, xây dựng hợp tác xã, tổ hợp tác, các hình thức liên kết, hợp tác, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ. Tạo điều kiện thuận lợi thu hút các doanh nghiệp về nông thôn, tham gia xây dựng nông thôn mới. Thực hiện tốt nếp sống văn minh, phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp; bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh trật tự xã hội./.