DetailController

Nông, Lâm, Ngư Nghiệp

Tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp

04/04/2024 16:35
Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW, ngày 12/3/2014 và Kết luận số 82-KL/TW, ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp, tỉnh Hòa Bình hiện nay có tổng diện tích 31.428,59 ha đất do các Công ty nông, lâm nghiệp, Ban quản lý rừng phòng hộ quản lý, gồm có Công ty Lâm nghiệp Hòa Bình 22.776,91 ha và 6 Công ty nông nghiệp 6.121,19 ha, Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Đà 2.530,50 ha.
Sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp, tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân

Thực hiện Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp; Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc nông, lâm trường. Sau khi rà soát, theo đề xuất của các Công ty nông, lâm nghiệp, tỉnh Hòa Bình có 13.226,87 ha đất do các Công ty nông, lâm nghiệp quản lý (gồm có Chi nhánh Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam - Công ty Cổ phần - Công ty Lâm nghiệp Hòa Bình 9.801,35 ha và 5 Công ty nông nghiệp 3.425,52 ha). Ủy ban nhân dân tỉnh đã quyết định giải thể Công ty TNHH Một thành viên Cửu Long tại Quyết định số 688/QĐ-UBND ngày 23/3/2016; Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Đà tiếp tục quản lý 2.225,21 ha đất không thuộc diện sắp xếp, đổi mới theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014.

Ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 30-NQ/TW, Kết luận 82-KL/TW, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo tổ chức quán triệt Nghị quyết, Kết luận sâu rộng đến lãnh đạo chủ chốt của các Đảng bộ, cấp ủy, chính quyền, tổ chức đảng trong tỉnh. Quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 30-NQ/TW và Kết luận 82-KL/TW, nhận thức của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức trong hệ thống chính trị có bước chuyển biến tích cực, nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp. Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các sở ngành liên quan và các công ty nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiện theo yêu cầu đề ra. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh hiện do các công ty nông, lâm nghiệp không thuộc diện sắp xếp lại theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP, ban quản lý rừng và các tổ chức sự nghiệp khác, hộ gia đình, cá nhân sử dụng thông qua công tác điều tra, thống kê chi tiết thực trạng, hoàn thiện hồ sơ kỹ thuật, pháp lý; hoàn thành các thủ tục hành chính; kiểm tra, kiểm soát, thanh tra việc tuân thủ các quy định của pháp luật; xử lý các vi phạm; hướng đến việc quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả và phát triển bền vững.

Mục tiêu cụ thể là xác định rõ phạm vi sử dụng đất có nguồn gốc từ nông lâm trường quốc doanh không thuộc diện sắp xếp lại theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP hiện do các công ty nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng, tổ chức, hộ gia đình cá nhân sử dụng để quản lý chặt chẽ và nâng cao hiệu quả sử dụng đất; hạn chế ngăn ngừa tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất đai, đảm bảo việc quản lý và sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật. Đo đạc lập bản đồ địa chính đối với toàn bộ diện tích đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh không thuộc diện sắp xếp lại theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP hiện do các công ty nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng, tổ chức, hộ gia đình cá nhân sử dụng ở các tỷ lệ theo hệ thống tọa độ Quốc gia VN-2000, múi chiếu 30 kinh tuyến trục 106000´, làm cơ sở để đăng ký quyền sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, lập hồ sơ địa chính trên cơ sở kết quả rà soát ranh giới và kết quả đo đạc lập bản đồ địa chính. Xác định cơ cấu sử dụng đất, thời hạn sử dụng từng loại đất đối với các công ty nông, lâm nghiệp trả về địa phương, ban quản lý rừng; cơ cấu sử dụng đất, thời hạn sử dụng từng loại đất đối với diện tích đất có nguồn gốc nông lâm trường do các hộ gia đình, cá nhân sử dụng theo đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Xác định rõ đối tượng, vị trí, diện tích đất hiện đang được giao đất không thu tiền sử dụng đất, kết hợp với việc xác định giá đất để làm cơ sở chuyển sang thuê đất. Tăng cường hoạt động kiểm tra, kiểm soát, thanh tra và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai nhằm chấn chỉnh công tác quản lý Nhà nước về việc quản lý, sử dụng đất đai tại các nông lâm trường; chủ động phát hiện các vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai có nguồn gốc từ nông lâm trường quốc doanh.

Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường, Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố và các Công ty nông, lâm nghiệp đã triển khai thực hiện đến năm 2018 đã cơ bản hoàn thành việc rà soát thống nhất ranh giới, cắm mốc giới đối với diện tích đất các Công ty nông, lâm nghiệp đang quản lý, sử dụng trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Cụ thể đã thực hiện rà soát thống nhất, lập hồ sơ mô tả 484,33 km đường ranh giới sử dụng đất của các Công ty, lập hồ sơ và cắm mốc 2.709 điểm mốc; còn một số điểm chưa thống nhất được ranh giới để cắm mốc. Nguyên nhân do ranh giới chồng lấn với đất các hộ gia đình, cá nhân quản lý, chưa thống nhất được ranh giới giữ lại, trả ra tại các địa phương (chủ yếu tại Xí nghiệp Lâm nghiệp Kỳ Sơn thuộc Công ty Lâm nghiệp Hòa Bình và Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Hà Nội tại huyện Lương Sơn). Thực hiện giao đất không thu tiền sử dụng cho Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Đà 2.225,21 ha. Trong đó tại huyện Mai Châu 1.559,4 ha; tại huyện Cao Phong 665,81 ha. Diện tích cho các công ty nông lâm nghiệp thuê đất 13.226,87 ha. Trong đó Công ty lâm nghiệp Hòa Bình 9.801,35 ha; các công ty nông nghiệp 3.425,52 ha. Sau khi rà soát các Công ty nông, lâm nghiệp đề xuất trả về địa phương quản lý 14.157,35 ha đất, Ban quản lý rừng phòng hộ sông Đà trả về địa phương 197,89 ha đất. Hiện trạng sử dụng đất giữ lại của các Công ty nông, lâm nghiệp khi thực hiện sắp xếp gồm Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Đà 2.225,21 ha; các Công ty nông, lâm nghiệp 13.226,88 ha.

Có thể khẳng định, trong 10 năm qua, việc triển khai thực hiện Nghị quyết 30-NQ/TW và Kết luận 82-KL/TW của Bộ Chính trị đã được các tổ chức đảng, chính quyền, các cơ quan trong toàn tỉnh quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện tích cực, đồng bộ. Mục tiêu sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả công ty nông, lâm nghiệp phải gắn với việc bảo đảm quốc phòng, an ninh nhất là vùng cao, vùng sâu, vùng xa theo yêu cầu Nghị quyết 30-NQ/TW được thực hiện nghiêm túc. An ninh, trật tự và an toàn trong quá trình sắp xếp được đảm bảo, giảm thiểu hiện tượng xung đột, mâu thuẫn lớn tại khu vực vùng cao, vùng sâu, vùng xa, góp phần giữ vững ổn định chính trị, xã hội, phát triển nông nghiệp và xây dựng xã nông thôn mới. Công tác quản lý, sử dụng đất đai trong quá trình sắp xếp thực hiện theo đúng pháp luật; đã xác định diện tích công ty nông, lâm nghiệp giữ lại sử dụng và diện tích đất giao về địa phương, góp phần giải quyết tình trạng thiếu đất sản xuất, tạo việc làm, sinh kế cho người dân địa phương. Sau sắp xếp các công ty có chuyển biến về phương thức tổ chức quản lý. Nguồn vốn được tăng lên; lao động được sử dụng, chăm lo đời sống, giải quyết chế độ chính sách theo quy định của pháp luật; nhiều tồn tại về tài chính được xử lý, tạo tiền đề cho doanh nghiệp sau sắp xếp phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động. Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường cùng với các ngành, UBND các huyện, thành phố, các công ty nông, lâm nghiệp tích cực triển khai thực hiện, đến nay cơ bản hoàn thành việc đo đạc ranh giới, cắm mốc giới đối với diện tích đất có nguồn gốc nông, lâm trường; xác định được chi tiết các loại đất, chủ sử dụng đất và tổ chức xây dựng phương án sử dụng đất làm cơ sở thực hiện việc cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất./.