DetailController

Nông, Lâm, Ngư Nghiệp

Tích cực triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ, ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ

12/07/2022 00:00
Khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo ngày càng khẳng định được vai trò là công cụ then chốt trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, giải quyết những vấn đề thách thức của xã hội. Những năm qua tỉnh Hòa Bình đã ban hành nhiều chính sức hỗ trợ triển khai hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ, hỗ trợ ứng dụng, nhân rộng kết quả KH&CN trên địa bàn, đem lại hiệu quả thiết thực.

Hiện nay tỉnh đang triển khai 01 nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia, 04 nhiệm vụ thuộc Chương trình hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi. Tổng kinh phí thực hiện 34 tỷ đồng, trong đó nguồn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương là 19 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2022, UBND tỉnh Hòa Bình đã đề xuất Bộ Khoa học và Công nghệ đăng ký thực hiện 03 nhiệm vụ KH&CN thuộc Dự án nông thôn miền núi và 02 nhiệm vụ KH&CN cấp Quốc gia thực hiện từ năm 2023. Quá trình triển khai cho thấy, các dự án đã có những đóng góp thiết thực cho việc chuyển đổi tư duy kinh tế của người dân vùng triển khai dự án. Các dự án tập trung chủ yếu vào lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn, có tính nhân rộng cao, tạo dựng được mối liên kết 4 nhà: nhà khoa học, nhà quản lý, nhà doanh nghiệp và nhà nông. Thông qua các mô hình tạo dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, đào tạo phát triển nguồn nhân lực khoa học kỹ thuật, đội ngũ cán bộ kỹ thuật cho các đơn vị tham gia dự án và người dân tại các vùng triển khai dự án. Các quy trình công nghệ chuyển giao cho người nông dân vùng dự án đều có tính thực tiễn, dễ tiếp cận, áp dụng và chia sẻ rộng rãi, qua đó ổn định đời sống cho đồng bào các dân tộc thiểu số, phục vụ tích cực việc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Trong đó điển hình như một số dự án: Dự án “Ứng dụng kỹ thuật cấy ngọc trai nhân tạo và xây dựng mô hình nuôi trai nước ngọt lấy Ngọc trên lòng hồ thủy điện Hòa Bình”; Dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ để phát triển sản xuất nông nghiệp tạo sinh kế cho người dân bị ảnh hưởng thiên tai tại huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình” với mục tiêu Ứng dụng và chuyển giao thành công một số tiến bộ khoa học và công nghệ trong xây dựng các mô hình phát triển trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản để nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo sinh kế bền vững cho người dân khu vực chịu tác động của thiên tai tại huyện Đà Bắc.

Công tác quản lý nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh tiếp tục được đổi mới theo hướng lấy hiệu quả ứng dụng làm trung tâm nghiên cứu. Trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, đã nghiệm thu kết thúc 24 đề tài và bàn giao kết quả 21 đề tài cho các Sở, Ban, ngành có liên quan trong thụ hưởng kết quả nghiên cứu; phê duyệt triển khai thực hiện 27 nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh; thông báo đề xuất đặt hàng, tuyển chọn các nhiệm vụ KH&CN năm 2023, kết quả đã có 30 đề xuất nhiệm vụ KHCN, trong đó tập trung vào các lĩnh vực khoa học nông nghiệp, khoa học xã hội; Hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã lựa chọn được 12 nhiệm vụ mang tính cấp thiết, phù hợp với đặc thù, thế mạnh của tỉnh để trình UBND tỉnh phê duyệt.  Các đề tài đã triển khai nghiên cứu đã bám sát các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội gắn với điều kiện đặc thù, khai thác tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Trong lĩnh vực nông nghiệp: tập trung đẩy nhanh ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất về giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với sinh thái ở địa phương; dần hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, tạo các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh của tỉnh. Nhiều mô hình sản xuất trong nông nghiệp được đưa vào ứng dụng và đạt hiệu quả cao. Các sản phẩm nông sản chủ lực được xây dựng thương hiệu thông qua xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể, qua đó phát triển mạnh các vùng sản xuất tập trung có năng suất và chất lượng, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa. Bên cạnh đó triển khai hoạt động  khoa học – công nghệ ở các lĩnh vực khác như: Lĩnh vực xã hội nhân văn tiếp góp phần bảo tồn và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch cộng đồng, du lịch gắn với truyền thống văn hóa; lĩnh vực khoa học tự nhiên đã được sử dụng hiệu quả trong công tác phòng chống thiên tai, giảm nhẹ thiệt hại cho sản xuất, là cơ sở khoa học vững chắc cho nhiều chính sách của tỉnh trong việc quy hoạch, khai thác sử dụng tài nguyên đất, nước, khoáng sản; lĩnh vực y tế đã có những nghiên cứu thành công trong mục tiêu nâng cao năng lực chẩn đoán và điều trị, chăm sóc sức khoẻ cộng đồng...

Việc ứng dụng và chuyển giao các kết quả nghiên cứu khoa học vào sản xuất, kinh doanh tiếp tục được quan tâm và triển khai hiệu quả. Nhiều quy trình công nghệ, mô hình sản xuất được nghiên cứu, hoàn thiện và chuyển giao đã góp phần nâng cao năng lực, kỹ thuật canh tác tiên tiến cho bà con nông dân. Điển hình như:  Chuyển giao và ứng dụng thành công nhiều mô hình trong lĩnh vực nông nghiệp cho các huyện, thành phố: Đề án cải tạo, thay thế giống mía tím suy giảm chất lượng bằng giống mía tím nuôi cấy mô sạch bệnh, Trung tâm Ứng dụng thông tin khoa học, công nghệ đã nuôi cấy, ươm trồng và chuyển giao hàng trăm vạn cây giống cho Trung tâm Khuyến nông và Phòng Nông nghiệp các huyện Cao Phong, Tân Lạc, Lạc Thủy… Một số mô hình nổi bật khác: mô hình trồng cây Sa Chi theo chuỗi liên kết tại xã Yên Lạc, xã Lạc Lương và dự án chuyển giao công nghệ trồng nấm linh chi đỏ trên gỗ khúc tại xã Lạc Sỹ huyện Lạc Thủy; xây dựng mô hình thâm canh bưởi đỏ theo tiêu chuẩn VietGAP tại huyện Tân Lạc…và nhiều ứng dụng đề tài khác đã góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế địa phương, bảo vệ môi trường sinh thái, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao đời sống địa phương…