Tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành trồng trọt đạt khá và tương đối ổn định, bình quân 4%/năm. Đến năm 2015, chiếm tỷ trọng 71,8% trong ngành nông nghiệp; giá trị sản phẩm thu được trên 1 ha canh tác đất trồng trọt ngày càng tăng, từ 62 triệu đồng năm 2010 tăng lên 103 triệu đồng năm 2015. Diện tích gieo trồng lúa duy trì trên 40,5 nghìn ha, năng suất 51,2 tạ/ha, sản lượng 20,37 vạn tấn, giá trị so sánh trên 1 nghìn tỷ đồng; sản lượng và giá trị sản xuất lúa có xu hướng tăng song tỷ trọng giá trị sản xuất có xu hướng giảm dần qua các năm. Hằng năm, có trên 5 nghìn ha đất quy hoạch trồng lúa, màu kém hiệu quả được chuyển sang trồng các cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn. Diện tích gieo trồng ngô trên 37,1 nghìn ha/năm, năng suất 41,1 tạ/ha, sản lượng trên 15,2 vạn tấn.
Cơ cấu cây trồng tiếp tục được chuyển đổi theo hướng đáp ứng nhu cầu của thị trường. Đến năm 2015, diện tích cây có múi khoảng 4,1 nghìn ha, chiếm 29,5% diện tích cây lâu năm, song giá trị sản xuất của cây có múi chiếm tới gần 50,6% giá trị sản xuất cây lâu năm. Diện tích mía trồng trên 7,5 nghìn ha, năng suất 68 tấn/ha, sản lượng 51,15 vạn tấn, giá trị sản xuất theo so sánh đạt trên 1 nghìn tỷ đồng.
Chuyển đổi hơn 7 nghìn ha đất quy hoạch trồng lúa, đất trồng mầu kém hiệu quả sang trồng các cây trồng khác có giá trị kinh tế cao. Cụ thể: Trồng cam 220 ha tại huyện Cao Phong, Kim Bôi, Lạc Thủy; 225 ha trồng nhãn, bưởi tại huyện Cao Phong, Tân Lạc, Lạc Sơn; trồng su su 60 ha tại huyện Tân Lạc; trồng tỏi tía 25 ha tại huyện Tân Lạc, Mai Châu; trồng bí 150 ha tại huyện Lạc Thủy, Tân Lạc, Kim Bôi; hơn 5,3 nghìn ha trồng các loại rau, màu khác trên phạm vi toàn tỉnh.
Ðối với ngành chăn nuôi, tốc độ tăng giá trị sản xuất đạt bình quân 7%; đến năm 2015 giá trị sản xuất chăn nuôi đạt 1,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 27,6% trong cơ cấu giá trị ngành nông nghiệp. Tổng đàn trâu, bò đến nay là 159 nghìn con, tổng đàn lợn 444 nghìn con, đàn gia cầm 3,95 triệu con; sản lượng thịt hơi gia súc, gia cầm bình quân đầu người đạt 44,74 kg/người/năm; sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt 41,1 nghìn tấn.
Các gia trại, trang trại và các cơ sở chăn nuôi lợn, gia cầm công nghiệp, bán công nghiệp với quy mô phù hợp, an toàn dịch bệnh từng bước được hình thành, tỷ lệ chăn nuôi công nghiệp ước đạt 14%. Trong đó: 17 trang trại chăn nuôi lợn nái và hậu bị quy mô từ 300 - 3.000 con, 57 trang trại chăn nuôi gà thương phẩm quy mô 3.000 - 10.000 con , 09 trang trại chăn nuôi gà đẻ trứng thương phẩm; 02 trại gà giống. Hơn 250 sơ sở chăn nuôi lợn quy mô 50 - 300 con và trên 300 gia trại chăn nuôi gà quy mô 500 - 3.000 con. Năng lực hệ thống thú y ở các cấp được tăng cường, chủ động phòng chống các loại dịch bệnh, hướng dẫn nông dân thực hiện các quy định về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm từ trại chăn nuôi.
Mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp tỉnh giai đoạn 2016 - 2020: Tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành trồng trọt đạt 4,04%/năm; đến năm 2020, chiếm tỷ trọng 69,8% giá trị sản xuất ngành nông nghiệp, giá trị sản phẩm thu được trên 1 ha canh tác gấp 1,5 lần so với năm 2015. Phấn đấu tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành chăn nuôi bình quân đạt 5,8%/năm, giảm chi phí trung gian 1%/năm; đến năm 2020, chiếm tỷ trọng 29,85% giá trị sản xuất ngành nông nghiệp, trên 500 nghìn con lợn, trong đó chăn nuôi lợn công nghiệp tại các trang trại tư nhân đạt 20% tổng sản lượng, sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 48,5 nghìn tấn, sản lượng trứng gia cầm đạt 38,6 triệu quả, giá trị tăng thêm đạt trên 1 nghìn tỷ đồng.
Giải pháp đặt ra là cần xây dựng, ban hành cơ chế ưu đãi, đặc biệt là công tác xúc tiến thương mại, hỗ trợ tìm kiếm thông tin thị trường nhằm khuyến khích các cá nhân, tổ chức đầu tư phát triển cơ giới hóa, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, tham gia ký kết hợp đồng tiêu thụ nông sản trước thu hoạch và thực hiện theo đúng hợp đồng ký kết. Ðây là giải pháp rất cần thiết cho sản xuất nông nghiệp hiện nay nhằm phát triển chuỗi giá trị nông sản, nâng cao tỷ lệ lợi nhuận cho nông dân. Bên cạnh đó, hỗ trợ một phần kinh phí nghiên cứu, kinh phí đầu tư sản xuất thử nghiệm cây trồng, vật nuôi mới có năng suất và giá trị kinh tế cao, được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; tư vấn thiết kế, xây dựng, quảng bá, chứng nhận thương hiệu giống; tạo động lực phát triển đa dạng cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi của tỉnh./.