DetailController

Nông, Lâm, Ngư Nghiệp

Thường trực Tỉnh ủy làm việc với Đoàn công tác của Hiệp hội Mắc ca Việt Nam

05/04/2021 00:00
Chiều 26/3, Thường trực Tỉnh ủy đã có buổi làm việc với Hiệp hội Mắc ca Việt Nam nhằm trao đổi, hợp tác chương trình phát triển cây Mắc ca trên địa bàn tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021 – 2020, định hướng đến năm 2045. Tham dự buổi làm việc có các đồng chí: Ngô Văn Tuấn, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh; Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành trong tỉnh.
Đồng chí Ngô Văn Tuấn, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại buổi làm việc

Đồng chí Ngô Văn Tuấn, Bí thư Tỉnh ủy đã thông tin đến Đoàn công tác một số định hướng của tỉnh Hòa Bình với mục tiêu “xanh, xanh hơn và xanh hơn nữa”. Tỉnh Hòa Bình chủ trương phát triển nông nghiệp là nền tảng, du lịch là mũi nhọn và công nghiệp là khâu đột phá, để tỉnh trở thành “bếp ăn” và khu du lịch nghỉ dưỡng cho thủ đô Hà Nội. Hiện nay, tỉnh Hòa Bình có một số vùng có thể phát triển giống cây Mắc ca, vì vậy mong muốn Hiệp hội Mắc ca Việt Nam nghiên cứu, khảo sát và hợp tác để phát triển giống cây Mắc ca trên địa bàn tỉnh.

Ông Dương Công Minh, Chủ tịch Hiệp hội Mắc ca Việt Nam cho biết: Hiệp hội Mắc ca Việt Nam được thành lập vào năm 2016, là tổ chức xã hội – nghề nghiệp của các tổ chức, công dân Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực ngành Mắc ca theo quy định của pháp luật Việt Nam, tự nguyện thành lập nhằm mục đích tập hợp, đoàn kết hội viên, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên, hỗ trợ nhau hoạt động hiệu quả, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Chủ tịch Hiệp hội Mắc ca Việt Nam khẳng định Mắc ca là giống cây rất có tiềm năng. Tuy nhiên điều kiện phát triển phụ thuộc vào thời tiết do đó cần xác định vùng khí hậu phù hợp với giống cây này. Theo đánh giá, cây Mắc ca rất phù hợp với điều kiện của khu vực Bắc bộ. Trồng sau 05 năm có thể thu hoạch và phát triển từ 80 đến 100 năm.

Ông Dương Công Minh, Chủ tịch Hiệp hội Mắc ca Việt Nam đánh giá điều kiện tự nhiên của tỉnh Hòa Bình phù hợp để phát triển giống cây này. Hiệp hội đã xác định phát triển ngành Mắc ca bắt nguồn từ giống. Do đó đòi hỏi yêu cầu chuẩn về giống và kỹ thuật. Để phát triển cây Mắc ca ở các địa phương, Hiệp hội cam kết sẽ hỗ trợ cho các hội viên tham gia, có các chính sách đầu tư, bao tiêu toàn bộ sản phẩm từ khâu giống, vật tư, quy trình sản xuất và sản phẩm đầu ra. Hội viên, người sản xuất chỉ cần có đất và tập trung trồng cây. Hiện nay, tỉnh Hòa Bình cũng đã thành lập Hiệp hội Mắc ca tỉnh Hòa Bình, đây sẽ là đơn vị kết nối giữa Hiệp hội với các hội viên, người sản xuất ở địa phương.

Hội nghị đã thảo luận, đánh giá những lợi thế và cơ hội phát triển cây Mắc ca trên địa bàn tỉnh, đồng thời thống nhất xây dựng một số mô hình điểm tại một số vùng để khảo nghiệm tính thích hợp của cây Mắc ca đối với điều kiện đất đai, khí hậu tại tỉnh Hòa Bình.

 Kết luận buổi làm việc, đồng chí Ngô Văn Tuấn, Bí thư Tỉnh ủy đánh giá phát triển cây Mắc ca là có tiềm năng và cơ hội thành công. Thời gian tới, tỉnh Hòa Bình sẽ thành lập tổ công tác phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội Mắc ca Việt Nam để xây dựng bước đi, lộ trình thích hợp; đồng thời nghiên cứu, đánh giá làm rõ hơn sự thích ứng và phát triển của giống cây Mắc ca tại tỉnh Hòa Bình. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhất trí lựa chọn một số vùng có điều kiện tốt, phù hợp để trồng thử nghiệm cây Mắc ca tại địa phương./.