Theo báo cáo, 6 tháng đầu năm, huyện Đà Bắc đạt được những kết quả nhất định trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế. Một số chỉ tiêu chính như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 14,5%. Tốc độ tăng giá trị sản xuất đạt 4,8%; giá trị tổng sản phẩm theo giá so sánh năm 2010 đạt 392,79%, bằng 104,8% so với cùng kỳ. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt trên 21 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng ngành nông – lâm – ngư nghiệp đạt 47,1%; công nghiệp, xây dựng đạt 15,3%; thương mại, dịch vụ đạt 37.5%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 20,4 triệu đồng/năm. Công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân được thực hiện tốt. Về y tế dự phòng không có dịch bệnh lớn, nguy hiểm xảy ra.
Bên cạnh những kết quả đạt được, huyện hiện còn tồn tại một số hạn chế như: Kinh tế có mặt phát triển chưa vững chắc và chưa đồng đều giữa các vùng; việc triển khai cơ chế chính sách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh còn chậm; nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng còn hạn chế. Bên cạnh đó, chất lượng giáo dục chưa được đều giữa các vùng; vấn đề tạo việc làm và thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn. Do đó tỷ lệ hộ nghèo còn cao (hiện ở mức 51,75%).
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đề nghị huyện và các phòng ban chuyên môn của huyện làm rõ thêm một số nội dung về hiệu quả việc mở các lớp khuyến nông, khuyến lâm; vấn đề áp dụng tiến bộ khoa học trong trồng trọt, chăn nuôi; hiệu quả trong công tác cải cách hành chính, tinh giản biên chế và công tác cán bộ…
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Hoàng Văn Tứ - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn giám sát ghi nhận sự chủ động tích cực của các cấp ủy, chính quyền huyện Đà Bắc. Dù là một huyện nghèo còn nhiều khó khăn nhưng Đà Bắc đã biết vận dụng chính sách một cách linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tiễn, tận dụng những thuận lợi của địa phương để thích ứng và phát triển, góp phần thực hiện tổt nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội. Đồng chí Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị huyện cần tập trung hơn nữa vào ngành có thế mạnh của huyện như nông nghiệp; kêu gọi các doanh nghiệp và nguồn xã hội hóa đầu tư vào nông nghiệp, đưa nông nghiệp từ truyền thống sang sản xuất hàng hóa; xây dựng kế hoạch phát triển du lịch cộng đồng gắn với bản sắc văn hóa địa phương; coi trọng công tác đảm bảo an toàn vệ sinh trong thực phẩm và môi trường; đôn đốc nhà thầu hoàn thiện hạ tầng giao thông trên tuyến đường 433. Đồng thời, chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh nhằm thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương trong thời gian tới.