Tính đến nay, toàn tỉnh có 150 hợp tác xã đăng ký thành lập theo Luật Hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó 33 hợp tác xã trồng trọt, chiếm 22%; 11 hợp tác xã chăn nuôi, chiếm 7%; 7 hợp tác xã lâm nghiệp, chiếm 5%; 2 hợp tác xã thủy sản, chiếm 1,5%; 97 hợp tác xã nông nghiệp tổng hợp, chiếm 64,5% với 3.117 thành viên. Năm 2017, tổng doanh thu 450 tỷ đồng; thu nhập bình quân thành viên 33,8 triệu đồng/người/năm. Số hợp tác xã được hỗ trợ đầu tư liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị bền vững tại địa bàn là 24 hợp tác xã, tập trung nhiều ở huyện Lạc Thủy 10 hợp tác xã, Kim Bôi 7 hợp tác xã, còn lại rải rác một số huyện khác. Đặc biệt có Hợp tác xã nông nghiệp và thương mại Mường động được Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn hỗ trợ 300 triệu đồng, đồng thời với đối ứng của Hợp tác xã xây dựng khu nhà lưới ươm giống cây giá trị 600 triệu đồng.
Năm 2017, toàn tỉnh có 137 tổ hợp tác trong nông nghiệp với 2.850 thành viên. Trong đó, 109 tổ hợp tác trồng trọt, chiếm 79%; 8 tổ hợp tác chăn nuôi, chiếm 6%; 2 tổ hợp tác lâm nghiệp, chiếm 1,5%; 2 tổ hợp tác thủy sản, chiếm 1,5%; 16 tổ hợp tác nông nghiệp tổng hợp, chiếm 12%. Doanh thu các tổ hợp tác đạt 25.660 triệu đồng, thu nhập bình quân 33,6 triệu đồng/người/năm.
UBND tỉnh đã chỉ đạo xây dựng 30 dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị thực hiện năm 2017-2018 với tổng kinh phí trên 11.430 triệu đồng. Bên cạnh đó, các huyện, thành phố huy động nguồn vốn lồng ghép các chương trình, dự án, chương trình 135 và nguồn vốn của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới triển khai xây dựng được trên 113 dự án, mô hình phát triển sản xuất với kinh phí khoảng 213.880 triệu đồng. Đến nay, đã hình thành nhiều liên kết sản xuất giữa nông dân - hợp tác xã - doanh nghiệp chuỗi giá trị đem lại hiệu quả cao như: Chuỗi sản xuất hạt giống tại các huyện Kim Bôi, Lạc Sơn, Lạc Thủy; chuỗi sản xuất ngô ngọt tại Mỵ Hòa; chuỗi sản xuất ớt tại Lạc thủy, Kim Bôi; chuỗi sản xuất cá sông Đà tại vùng hồ… Bước đầu đã hình thành cánh đồng lớn như: Vùng sản xuất cam Cao Phong được chứng nhận VietGAP sản xuất tập trung với suy mô diện tích được chứng nhận 149,89 ha; vùng sản xuất chè đen phục vụ xuất khẩu của Công ty TNHH MTV Sông Bôi; vùng sản xuất cây có múi của Hợp tác xã Mường Động với diện tích 125 ha; vùng sản xuất nhãn an toàn thuộc Hợp tác xã nông nghiệp Sơn Thủy, huyện Kim Bôi với diện tích 34 ha.
Thực hiện Nghị định 64, ngày 27/9/1993 của Chính phủ, các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đã thực hiện giao 46.012,2 ha đất sản xuất nông nghiệp. Trung bình mỗi hộ có 0,5 ha đất sản xuất nông nghiệp, được phân thành nhiều thửa, diện tích mỗi thửa trung bình 400 đến 500 m2 đối với các thôn vùng thấp, 200 đến 300 m2 đối với các xóm bản vùng cao. Khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất, phát triển các vùng sản xuất quy mô lớn với hình thức đa dạng, phù hợp với quy hoạch và điều kiện của từng vùng, đặc điểm của từng vùng sản phẩm là một trong những nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Việc tích tụ ruộng đất được các cấp, ngành quan tâm chỉ đạo, đến nay có 22/191 xã thực hiện dồn điền đổi thửa với diện tích 2695,63 ha, chiếm 4,1% đất cây hàng năm.
Nhằm thúc đấy đầu tư ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, toàn tỉnh đã xác định được 14 khu vực sản xuất trồng trọt tập trung ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học theo hình thức thuê đất tại 7 huyện với tổng diện tích 289,5 ha. Đây là bước tiền đề cần thiết để thu hút vốn đầu tư phát triển thành các khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học./.