Ngay sau khi Nghị quyết được ban hành, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn cụ thể hóa nội dung của Nghị quyết, xây dựng và ban hành Chính sách hỗ trợ tiêu thụ nông sản hàng hóa trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đến năm 2020. Đồng thời, chỉ đạo các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở triển khai thực hiện các nội dung Nghị quyết và chính sách đã ban hành. Các ngành và địa phương đã thường xuyên tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất nông nghiệp thông qua sinh hoạt chi bộ định kỳ và sinh hoạt chuyên đề. Các cơ quan thông tin đại chúng xây dựng kế hoạch tuyên truyền phổ biến kết quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới chính xác, kịp thời nhằm thống nhất nhận thức và quyết tâm thực hiện Nghị quyết trong toàn đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Nhằm nâng cao chất lượng nông sản hàng hóa, trong những năm qua, ngành NN&PTNT đã tổ chức được 600 lớp tập huấn về trồng trọt và bảo vệ thực vật; 40 mô hình khảo nghiệm, trình diễn chuyển giao kỹ thuật với 1.400 ha; 24 lớp đào tạo nghề trồng rau an toàn, trồng cây có múi, cây thanh long, cây dược liệu, quản lý dịch hại tổng hợp tại các vùng sản xuất tập trung trên địa bàn các huyện Tân Lạc, Lương Sơn, thành phố Hòa Bình, Kim Bôi, Đà Bắc…góp phần nâng cao kiến thức, kỹ năng, nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất trồng trọt. Ngời ra, công tác giới thiệu và hỗ trợ giống cây trồng có năng suất cao, phẩm chất tốt luôn được quan tâm thực hiện nhằm nâng cao giá trị các sản phẩm nông lâm sản: Trong 05 năm qua, đã có 42 đề tài, dự án triển khai nghiên cứu phục vụ phát triển nông nghiệp; thực hiện khảo nghiệm, sản xuất thử, mô hình trình diễn nhiều loại giống cây trồng để đánh giá độ thích nghi, phù hợp của các giống cây trồng trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, tỉnh đã hỗ trợ xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm Cam Cao Phong, nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm: Nhãn Sơn Thủy, huyện Kim Bôi; rau Susu Quyết Chiến, huyện Tân Lạc; sản phẩm quả Lặc Lày, huyện Lương Sơn; Cam huyện Lạc Thủy; Bưởi đỏ, huyện Tân Lạc; bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm, đó là: “ Cá sông Đà - Hòa Bình”, “ Tôm sông Đà - Hòa Bình”, “Mật ong - Hòa Bình”, “ Gà Lạc Thủy”; hiện đang xây dựng kế hoạch hỗ trợ tạo lập, quản lý Nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm: “Chè Sông Bôi”, “Sả - tinh dầu Sả thành phố Hòa Bình”, “Xạ đen Hòa Bình”. Một số sản phẩm nông sản của tỉnh đã vào được hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại lớn, như: Sản phẩm Cam Cao Phong đã vào được Siêu thị Big C, Hapro Mart và được đưa lên hạng thương gia của hãng hàng không Vietnam Airline; sản phẩm Bưởi Tân Lạc đã vào được hệ thống siêu thị BigC,...; hạt Sachi, các sản phẩm rau hữu cơ Lương Sơn, thịt lợn, quả có múi... đã được đưa vào hệ thống cửa hàng tại Hà Nội, đang từng bước tiến tới việc đưa vào các siêu thị, trung tâm thương mại lớn. Thông qua đó góp phần xây dựng nền nông nghiệp phát triển theo hướng hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cao.
Khâu xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm trồng trọt được quan tâm, đẩy mạnh bằng các hoạt động tìm hiểu thị trường, xúc tiến thương mại gắn với từng sản phẩm hàng hóa cụ thể; có chính sách hỗ trợ cho công tác xây dựng và phát triển thương hiệu các sản phẩm chủ lực (điển hình như các hoạt động về Lễ hội cam Cao Phong hằng năm; tuần lễ Cam Cao Phong tại Hà Nội,...
Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, nông sản hàng hóa chủ lực của tỉnh không bị tồn và dư thừa, sản lượng tăng mạnh song giá bán không giảm. Số doanh nghiệp tham gia tiêu thụ nông sản ra ngoài tỉnh ngày càng tăng, hình thức tiêu thụ nông sản ngày càng đa dạng, đặc biệt là gắn kết giữa phát triển du lịch với quảng bá và tiêu thụ nông sản. Lượng nông sản được tiêu thụ tăng thông qua hình thức facebook, email, intenet; giao hàng trực tuyến; gửi hàng qua xe khách,... đây là hình thức tiêu thụ mới được các doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân ứng dụng ngày càng phát huy hiệu quả. Việc hình thành các HTX, tổ hợp tác, nhóm liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đã góp phần giải quyết được sản phẩm tồn đọng, giảm nhiều hiện tượng thương lái ép giá, giúp khuyến khích phát triển sản xuất, phát triển thương hiệu sản phẩm mỗi vùng địa phương. Việc tiêu thụ nông sản thuận lợi cũng góp phần thúc đẩy hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, như vùng cam, vùng bưởi, vùng mía, vùng nuôi cá lồng./.