DetailController

Nông, Lâm, Ngư Nghiệp

Thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch bệnh Covid-19

02/06/2021 00:00
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 các hoạt động kinh tế, hoạt động xuất nhập khẩu, lưu thông, vận chuyển hàng hóa một số ngành, lĩnh vực sản xuất, dịch vụ trong đó có lĩnh vực nông nghiệp đã bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là đối tượng doanh nghiệp dịch vụ, doanh nghiệp vừa và nhỏ, quy mô kinh tế hộ. Đối với lĩnh vực xuất khẩu nông sản, một số doanh nghiệp đã chịu ảnh hưởng đến đơn hàng, thiếu hụt lao động, ảnh hưởng nặng nề đến đơn hàng, thiếu hụt lao động, ảnh hưởng về dịch vụ hậu cần thương mại.
Điểm bán hàng hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản tại thành phố Hòa Bình trong đợt dịch Covid thứ 4

Tại tỉnh Hòa Bình, trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh Covid-19 trong thời điểm đúng thu hoạch vụ Đông xuân 2020 – 2021, thu hoạch một số loại rau, quả và chuẩn bị phục vụ sản xuất vụ mùa, vụ hè thu sắp tới, ngày 10/5/2021 Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh đã có văn bản số 888, đề nghị các địa phương tập trung hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản. Cụ thể: Các huyện, thành phố chỉ đạo cơ quan chuyên môn và rà soát, phân loại chất lượng để có kế hoạch tổ chức thu hoạch, tiêu thụ sớm ngay từ đầu. Đối với sản phẩm lúa gạo cần đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ, còn lại tiêu thụ trong và ngoài tỉnh. Đối với một số sản phẩm rau quả cho thu hoạch sản lượng lớn (bí xanh, bí đỏ ...) khẩn trương tiêu thụ khi có nhu cầu của thị trường; Đối với diện chưa tiêu thụ được thì khuyến cáo người dân thu hoạch đủ độ già, khi đã lên phấn để kéo dài thời gian bảo quản, tích trữ, chờ thời gian tiêu thụ và đẩy mạnh tiêu thụ phục vụ chế biến. Đối với diện tích mía ăn tươi (mía trắng ép nước) cần chủ động tiêu thụ ngay từ đầu vụ khi thời tiết thuận lợi, nhu cầu thị trường cao. Tuyên truyền, hướng dẫn người chủ động bán mía khi giá cả phù hợp, không nên giữ hàng sẽ rất dễ gặp rủi ro, ứ đọng sản phẩm vào cuối vụ.

Tạo điều kiện tối đa để hệ thống thương lái tiếp cận các vùng sản xuất; tuân thủ các hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ Giao thông vận tải trong đó đó có nội dung hướng dẫn thu mua, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, nông sản của vùng đang có dịch để vừa đảm bảo yêu cầu chống dịch, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức cá nhân thu mua, tiêu thụ nông sản và lưu thông trên địa bàn kịp thời, hiệu quả. Tổ chức tốt các hoạt động mua bán đảm bảo phòng dịch hiệu quả tại các điểm thu mua, chợ đầu mối tiêu thụ nông sản trên địa bàn. Tiếp tục duy trì và phát triển các vùng sản xuất tập trung chuyên canh có quy mô lớn, sản xuất an toàn thực phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ... Đáp ứng yêu cầu nguồn nông sản phục vụ chế biến, tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Duy trì, đảm bảo các hoạt động cung ứng vật tư nông nghiệp thiết yếu cho sản xuất vụ Mùa, vụ Hè thu 2021 trên địa bàn, không để tình trạng khan hiếm nguồn hàng phục vụ sản xuất . Tăng cường kiểm tra, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng dịch COVID-19 để kinh doanh vật tư giả, kém chất lượng, tăng giá bất hợp lý.

Theo báo cáo, ngoài việc tiêu thụ trong tỉnh, thực hiện hỗ trợ giải cứu nông sản, trong 6 tháng đầu năm, một số nông sản chủ lực của tỉnh vẫn duy trì bán tại các hệ thống siêu thị, Trung tâm thương mại lớn như: Sản phẩm Cam Cao Phong được tiêu thụ tại siêu thị Big C, Hapro Mart và được đưa lên hạng thương gia của hãng hàng không Vietnam Ailrline; sản phẩm Bưởi đỏ Tân Lạc đã vào được hệ thống siêu thị BigC, T Mart, Trung tâm thương mại V+; sản phẩm cá Sông Đà vào hệ thống siêu thị BigC, Vinmart, Qmart, Coop Mark, Lotte; rau susu Tân Lạc, rau hữu cơ Lương Sơn vào hệ thống các siêu thị Fivimart, các cửa hàng thực phẩm sạch Biggreen.

Về xuất khẩu nông sản, từ nhiều năm nay, một số doanh nghiệp trong tỉnh đã xây dựng được thị trường xuất khẩu khá ổn định. Tiêu biểu như: Công ty TNHH PACIFIC xuất khẩu sang Nhật đối với các loại sản phẩm là dưa chuột, lá ớt, gừng muối với sản lượng 1.900 tấn/năm (giá trị gần 2 triệu USD). Công ty cổ phần Nông lâm sản Kim Bôi xuất khẩu sang Trung Quốc và Châu âu với khoảng 100 tấn măng, 2 tấn miến, 5 tấn phở khô/năm. Công ty TNHH một thành viên Tân Hiếu Hưng xuất khẩu sang Trung Quốc với số lượng 15.000 tấn tinh bột sắn/năm (giá trị hơn 5 triệu USD). Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Sơn Thủy, huyện Kim Bôi xuất khẩu sang Trung quốc cho sản phẩm nhãn Sơn Thủy huyện Kim Bôi (120 tấn trong năm 2020). Hợp tác xã chế biến nông thủy sản Phú Cường (Thành phố Hòa Bình) xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc cho sản phẩm chuối (300 tấn sang Trung Quốc). Công ty cổ phần Sơn Thủy xuất khẩu sang Hàn Quốc khoảng 10.000 m3 gỗ ép coppha/năm…

Trước những thách thức kép hiện nay của khu vực nông nghiệp, đó là: Đối phó với tác động biến thể mới của dịch Covid-19; thời tiết nắng nóng diễn ra bất thường khắc nghiệt, dịch bệnh trong chăn nuôi, cây trồng diễn ra với những nguy cơ cao, rủi ro kinh tế - xã hội lớn trong bối cảnh phải đạt mục tiêu kép mà Trung ương Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao, Bộ Nông nghiệp và PTNT kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành trung ương, các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp triển khai đồng bộ một số giải pháp. Cụ thể như: Tổ chức sản xuất nông nghiệp, chú trọng chế biến, bảo quản để linh hoạt thích ứng với bối cảnh dịch bệnh; Hỗ trợ chính sách thuế, tín dụng cho khu vực sản xuất, chế biến bảo quản và xuất khẩu nông sản; Tập trung giải quyết khó khăn, thuận lợi hóa thông quan, hạ tầng logistic; Thúc đẩy toàn tiêu thụ trong nước.

Trong điều kiện việc tiêu thụ nông sản hết sức khó khăn như hiện nay, Chính phủ giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và PTNT chuẩn bị đa dạng các biện pháp phân phối hàng hóa, kích cầu tiêu dùng trong nước để chuẩn bị cho các vụ thu hoạch rau, củ, quả, vận động mạnh mẽ phong trào Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, trong đó có sản phẩm nông sản; Hỗ trợ phân phối sản phẩm trên thị trường online trực tuyến, đẩy mạnh hỗ trợ dịch vụ nhận hàng mua, bán sản phẩm và lưu thông sản phẩm với chi phí tối thiểu.

UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục thông tin kịp thời về tình hình sản xuất, lưu thông nông sản tại địa phương để chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất, lưu thông nông sản tại địa phương để chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất theo nhu cầu thị trường tiêu thụ. Áp dụng nhanh chóng các chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng cơ sở bảo quản lạnh trên địa bàn để sử dụng khi nông sản tiêu thụ khó khăn. Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành nhằm đảm bảo thông suốt trong lưu thông vật tư nông nghiệp và nông sản trong thời gian cách ly, ứng phó với dịch bệnh./.