DetailController

Nông, Lâm, Ngư Nghiệp

Thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trong điều kiện dịch bệnh Covid -19

13/03/2020 00:00
Chiều 12/3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành trên cả nước về “Thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trong điều kiện dịch bệnh Covid-19”. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường dự và chủ trì hội nghị. Tại điểm cầu tỉnh Hòa Bình, đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.
Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Hòa Bình

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường phân tích cụ thể 3 thách thức lớn bao trùm ngành Nông nghiệp của Việt Nam trong thời gian tới. Đó là tính phức tạp, khó lường của khí hậu, thời tiết; hạn hán và xâm nhập mặn; dịch bệnh trên gia súc gia cầm diễn biến phức tạp. Bộ trưởng cũng khẳng định dù trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, tuy nhiên chúng ta có đủ điều kiện, cơ sở và quyết tâm đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa phục vụ cho nhân dân. Bộ trưởng yêu cầu ngành nông nghiệp, các địa phương tập trung chỉ đạo để sản xuất nông nghiệp ổn định, tăng trưởng và thắng lợi.

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, 2 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của ngành đạt 5,34 tỷ USD, giảm 2,8% so với cùng kỳ năm 2019. Kim ngạch nhập khẩu ước khoảng 4,3 tỷ USD, giảm 6,7% so với cùng kỳ năm 2019. Thặng dư thương mại 2 tháng đạt 1,02 tỷ USD, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm trước.

Dự báo thời gian tới, kinh tế toàn cầu tiếp tục xu hướng tăng trưởng chậm. Các nền kinh tế chủ chốt đối mặt với nhiều khó khăn. Sự bùng phát của dịch Covid-19 diễn biến nghiêm trọng, phức tạp, chưa dự báo được thời điểm kết thúc gây ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế thế giới. Trong nước, ngành nông nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: biến đổi khí hậu xuất hiện ngay từ đầu năm gây ra tình hình hạn hán, xâm nhập mặn tại đồng bằng sông Cửu Long ảnh hưởng tới ngành trồng trọt và nuôi trồng thủy sản; dịch tả lợn châu Phi tuy có giảm mạnh nhưng chưa được khống chế hoàn toàn nên vẫn gây khó khăn cho công tác tái đàn.

Dịch Covid-19 đã thành đại dịch, hết sức nguy hiểm, gây ra 2 vấn đề bao trùm là đe dọa sức khỏe, tính mạng người dân trên toàn cầu và làm rối loạn nền kinh tế thế giới. Dịch này tác động đến hầu hết các quốc gia. Nhiệm vụ đặt ra là đảm bảo hạn chế thấp nhất thách thức nêu trên đồng thời đảm bảo tăng trưởng.

Trước các tình hình đó, Bộ NN&PTNT đưa ra dự báo về mức tăng trưởng ngành nông nghiệp của Việt Nam trong thời gian tới với các con số cụ thể: Về diện tích lúa, đơn vị ước tính đạt 7,3 triệu ha/năm, năng suất bình quân ước đạt 59,3 tạ/ha và sản lượng ước đạt 43,4 triệu tấngiảm khoảng 70.000 tấn so với năm 2019. Về rau màu, sản lượng dự kiến đạt 18,2 triệu tấn trên 980.000 ha. Với lượng tiêu thụ trong nước khoảng 14 triệu tấn thì mặt hàng này vẫn dư khoảng 4,2 triệu tấn để xuất khẩu. Ngoài ra, sản lượng trái cây còn có thể tăng 0,8 triệu tấn so với năm 2019.

Để đạt được các mục tiêu thúc đẩy này, Bộ Nông nghiệp đặt ra một số giải pháp trước mắt như chỉ đạo cơ quan chuyên môn, địa phương có những điều chỉnh phù hợp về cơ cấu mùa vụ lúa. Cơ quan chuyên môn cũng cần rà soát xây dựng, phát triển các vùng sản xuất đối với sản phẩm xuất khẩu chủ lực, ứng dụng công nghệ cao trong bảo quản, chế biến. Đề ra giải pháp thúc đẩy sản xuất nông nghiệp những tháng tiếp theo, Bộ Nông nghiệp và PTNT yêu cầu toàn ngành cần tập trung triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để đẩy mạnh sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản nhằm đảm bảo an ninh lương thực trong nước, tăng cường xuất khẩu, đạt được mục tiêu cao nhất mà Chính phủ giao. Sử dụng linh hoạt diện tích trồng lúa, để vừa đảm bảo an ninh lương thực, vừa nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho nông dân; tiếp tục hướng dẫn chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang các cây trồng khác có thị trường tiêu thụ sản phẩm và thu nhập cao hơn, trọng tâm là chuyển sang trồng rau đậu, cây ăn quả và nuôi trồng thủy sản. Dự kiến tổng sản lượng thịt các loại năm 2020 sẽ đạt khoảng 5,8 triệu tấn, tăng 16,3% so với năm 2019. Thực hiện cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu, phát huy lợi thế vùng, trên cơ sở tăng tỷ trọng nuôi trồng thủy sản và cây ăn quả. Đối với chăn nuôi lợn: Tiếp tục các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, đặc biệt là bệnh dịch tả lợn Châu Phi; phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính kiểm soát giá thành và giá bán sản phẩm của các doanh nghiệp chăn nuôi lớn; kiểm soát chặt, hạn chế tối đa việc đầu cơ tăng giá lợn thịt, lợn giống hiện nay trên thị trường; đẩy nhanh tiến độ và quy mô tái đàn khôi phục đàn lợn nhằm ổn định thị trường và giá cả mặt hàng thịt lợn trong nước./.