1. Để đảm bảo an toàn sức khỏe cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, trong thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Trung ương Đảng, Chính phủ…Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và của Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kịp thời triển khai đến các địa phương, đơn vị công tác chống dịch Covitd-19; Đồng thời yêu cầu tất cả các cá nhân, cơ quan, đơn vị tiếp tục chủ động thực hiện nghiêm, quyết liệt công tác phòng, chống dịch trong thời gian tới theo các Văn bản chỉ đạo của Trung ương Đảng, nhà nước và của tỉnh.
2. Về công tác chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất phòng, chống dịch bệnh
Những tháng còn lại của năm 2020, ngành nông nghiệp cần tập trung triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để đẩy mạnh sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản nhằm đảm bảo các mục tiêu đề ra. Một số nhiệm vụ và giải pháp cần tập trung thực hiện:
a) Rà soát, đánh giá và đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp nhằm nâng cao giá trị, hiệu quả và khả năng cạnh tranh nông sản.
- Đảm bảo Diện tích gieo trồng cây hàng năm theo kế hoạch; Nâng cao giá trị sản phẩm thu được trên 1 ha canh tác đất trồng trọt; Mở rộng diện tích và tăng cường thâm canh cây ăn quả có múi. Thực hiện tốt công tác dự tính, dự báo phòng trừ sâu bệnh hại, chuột hại, chỉ đạo hệ thống khuyến nông viên cơ sở tập trung hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân phòng chống sâu bệnh, chăm sóc lúa, màu; sử dụng nước tiết kiệm phục vụ sản xuất và sinh hoạt.
- Tăng quy mô tổng đàn vật nuôi, đảm bảo: Tổng sản lượng thịt hơi gia súc gia cầm xuất chuồng; Tỷ lệ cơ sở chăn nuôi lợn, gia cầm an toàn dịch bệnh; Tỷ lệ thịt hơi được chăn nuôi theo hình thức trang trại, công nghiệp theo kế hoạch. Tăng cường kiểm tra việc chấp hành Pháp lệnh thú y, kiểm dịch, kiểm soát giết mổ; thực hiện tốt công tác tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm. Đẩy mạnh việc tái đàn, phát triển tổng đàn vật nuôi; Kiểm soát, phòng ngừa dịch bệnh, phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là các loại dịch nguy hiểm như Bệnh Dịch tả lợn Châu phi, cúm gia cầm, lở mồm long móng trên địa bàn các huyện, thành phố, đề phòng dịch bệnh bùng phát và lây lan. Thực hiện công tác tiêm phòng, vệ sinh chuồng trại, tiêu độc khử trùng, duy trì hoạt động của các chốt kiểm dịch, chủ động phát hiện, xử lý kịp thời dịch, bệnh xảy ra.
- Đẩy mạnh thâm canh nuôi trồng thủy sản, đảm bảo sản lượng nuôi trồng và khai thác; Phát triển nuôi cá lồng trên hồ chứa thủy lợi, thủy điện. Đẩy mạnh hình thành chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ cá sông Đà.
- Hoàn thành kế hoạch tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, chăm sóc rừng, phòng chống cháy rừng trồng rừng tập trung, khoán bảo vệ rừng, chăm sóc diện tích rừng trồng hiện có, nâng cao thu nhập cho người dân làm nghề rừng.
- Đảm bảo nước tưới cho diện tích cây hàng năm; tưới tiêu chủ động cho 85% diện tích cây hàng năm; 1,2 nghìn ha mặt nước kết hợp nuôi trồng thủy sản. Thực hiện đồng bộ các giải pháp chống hạn, tưới nước tiết kiệm và hiệu quả. Chỉ đạo tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện các sự cố, hư hỏng và kịp thời khắc phục để bảo vệ công trình thuỷ lợi; đảm bảo thời vụ, cung cấp nước phục vụ sản xuất cho nhân dân.
- Phát triển mạnh hơn cơ giới hóa và công nghiệp chế biến, tăng cường ứng dụng cơ giới hóa trong tất cả các khâu của chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp. Thu hút đầu tư chế biến, bảo quản nông sản.
- Phát triển thị trường, thúc đẩy tiêu thụ nông sản: Triển khai hiệu quả Kế hoạch xúc tiến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; Nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản, tăng cường kiểm soát chất lượng và giá cả. Khuyến khích phát triển thương mại tư nhân. Chú trọng phát triển thị trường nội địa. Tổ chức lễ hội cây ăn quả có múi và hội chợ nông nghiệp; tranh thủ cơ hội, tìm kiếm thị trường xuất khẩu nông sản.
- Phát triển sản phẩm lợi thế từng địa phương theo chương trình OCOP: hướng đến mỗi xã có một sản phẩm đặc trưng được thị trường ưa chuộng; phát triển các mô hình nông nghiệp du lịch, chuấn hóa thêm sản phẩm OCOP.
- Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp: Nâng cao hiệu quả hoạt động các hợp tác xã nông nghiệp; phát triển kinh tế trang trại, kinh tế hộ gia đình. Tăng cường sản xuất theo chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản. Khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất hàng hóa quy mô lớn.
- Thực hiện các giải pháp thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, ưu tiên ứng dụng công nghệ cao, các giải pháp khoa học công nghệ mới tiên tiến. Thực hiện đề án khuyến nông trọng điểm; đề tài nghiên cứu khoa học, thử nghiệm, khảo nghiệm hậu kiểm giống, tiến bộ kỹ thuật mới.
b) Phát triển hạ tầng nâng cao năng lực phòng chống và giảm nhẹ thiên tai; bảo vệ và sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên thiên nhiên và môi trường: Đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất nông lâm ngư nghiệp phù hợp với kế hoạch đầu tư công trung hạn; tăng cường xây dựng và đề xuất các giải pháp, các dự án huy động xã hội hóa đầu tư phát triển hạ tầng nông nghiệp - nông thôn. Tăng cường công tác quản lý tài nguyên, tập trung bảo vệ môi trường. Khôi phục rừng phòng hộ, bảo vệ, phát triển và sử dụng hiệu quả, bền vững diện tích rừng hiện có và quỹ đất quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp.
c) Đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới: Thực hiện lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn của các Chương trình mục tiêu quốc gia, các Chương trình hỗ trợ có mục tiêu trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại, kinh tế hợp tác; tiếp tục chuyển đổi, thành lập mới và nâng cao năng lực hoạt động cho các hợp tác xã nông nghiệp; nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề lao động nông nghiệp.
d) Tăng cường quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và vệ sinh an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản: Tăng cường các biện pháp đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; thực hiện hiệu quả Chương trình giám sát chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Kịp thời phát hiện và giải quyết tốt những sự cố mất an toàn thực phẩm./.