DetailController

Thủy sản

Tháng 4: Tình hình phát triển sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và lâm nghiệp được duy trì ổn định

22/04/2022 00:00
Trong tháng 4, Ngành Nông nghiệp đã tập trung chỉ đạo sản xuất vụ Chiêm xuân năm 2022, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, đôn đốc các địa phương chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên các loại cây trồng, chỉ đạo tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi và thủy sản nuôi. Công tác kiểm soát giết mổ động vật được triển khai thực hiện tốt, đã quản lý, thực hiện tốt công tác VSATTP trên địa bàn tỉnh, điều tiết nước hợp lý, quản lý chặt chẽ nước các hồ đập, đảm bảo tích đủ nước cho sản xuất và sinh hoạt của người dân.
Hiện nay toàn tỉnh đã gieo cấy được 16.858 ha lúa vượt 8,46% so với kế hoạch

Trong tháng qua, trên địa bàn tỉnh có mưa, nắng xen kẽ cung cấp đủ ẩm, khá thuận lợi cho việc chăm sóc các loại cây trồng. Các địa phương tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi, chủ động chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh kịp thời, do đó các loại cây trồng sinh trưởng phát triển khá, sâu bệnh hại ở mức độ trung bình - nhẹ. Tuy nhiên do ảnh hưởng của biến động thị trường nên hầu hết các loại phân bón đều tăng cao làm ảnh hưởng mạnh đến việc bón phân chăm sóc cây trồng, đặc biệt là các vùng đồng bào khó khăn, vùng sâu. Qua kiểm tra sản xuất cho thấy các địa phương tuân thủ   khá tốt cơ cấu mùa vụ; kỹ thuật làm đất, gieo mạ, chăm sóc mạ. Hiện nay toàn tỉnh đã gieo cấy được 16.858 ha lúa vượt 8,46% so với kế hoạch. Các loại cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt. Hiện nay các địa phương đang tích cực làm cỏ, bón phân, chăm sóc cho các loại cây trồng, áp dụng các biện pháp kỹ thuật tăng khả năng đậu quả và chống rụng quả đối với cây ăn quả có múi; các loại cây nhãn, vải giai đoạn phát triển phân hóa mầm hoa-nở hoa; chè phát triển búp - thu hái.

Theo số liệu của Cục Thống kê Hòa Bình, hiện nay tổng đàn gia súc 642,63 nghìn con, trong đó trâu 112,25 nghìn con (bằng 97,19% so với cùng kỳ), bò 87,41 nghìn con (bằng 101,97% so với cùng kỳ), lợn 442,97 nghìn con (bằng 102,85% so với cùng kỳ), dê 51,7 nghìn con, đàn gia cầm 8,385 triệu con (bằng 104,47% so với cùng kỳ), đàn chó nuôi: 145,860 nghìn con. Nhìn chung tình hình phát triển chăn nuôi trong tháng trên địa bàn tỉnh được duy trì ổn định. Các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh; kiểm dịch, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán, giết mổ động vật, sản phẩm động vật.

Nuôi lồng bè trên hồ thủy điện diễn ra thuận lợi, cá phát triển tốt. Người dân nuôi cá ao hồ trong toàn tỉnh đã thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật, cá sinh trưởng phát triển tốt. Tình hình sản xuất thủy sản ổn định, không có ổ dịch lớn xảy ra. Người dân tập trung chăm sóc, thu hoạch cá thịt. Tổng diện tích nuôi cá ao hồ là 2.700 ha và 4.700 lồng nuôi cá, so với cùng kỳ diện tích, lồng nuôi cá không tăng; sản lượng cá thu hoạch ước đạt 1.016 tấn, trong đó sản lượng cá khai thác 172 tấn, sản lượng cá nuôi 844 tấn. So với cùng kỳ tăng 7 tấn đạt 100,6% kế hoạch.

Trong tháng trên địa bàn toàn tỉnh không xảy ra cháy rừng, không có các điểm nóng về phá rừng, khai thác rừng, vận chuyển lâm sản trái phép, an ninh rừng được giữ vững, kiểm tra xác minh, cập nhật thay đổi về diễn biến rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn vào phần mềm FRMS theo quy định. Đã tổ chức tuyên truyền Luật Lâm nghiệp và các văn bản liên quan đến công tác quản lý bảo vệ rừng, phát triển rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng, quản lý lâm sản đến 17.748 lượt người. Tính đến nay toàn tỉnh đã sản xuất được 12,53 triệu cây giống phục vụ kế hoạch trồng rừng. Trong tháng, đã trồng được 775,53 ha rừng trồng tập trung và 80,65 nghìn cây phân tán; khai thác 598,52 ha rừng trồng tập trung, với khối lượng 58.129,0 m3 gỗ; Tổng thu nhập từ rừng của các tổ chức, hộ gia đình toàn tỉnh ước đạt là 69.474,07 triệu đồng.

Bên cạnh đó, các địa phương, Công ty khai thác công trình thủy lợi đã tăng cường công tác kiểm tra, đảm bảo an toàn hệ thống công trình thủy lợi, hồ chứa nước trong mùa mưa lũ năm 2022; thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa các công trình thủy lợi đảm bảo đủ nước phục vụ cho vụ sản xuất; quản lý chặt chẽ về nguồn nước, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả. Phối hợp với các huyện, thành phố chủ động xây dựng phương án chống hạn; thường xuyên kiểm tra sửa chữa các công trình thủy lợi.

Thời gian tới, các địa phương tập trung bón phân, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho các loại cây trồng. Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, môi trường, dịch bệnh tại các huyện, thành phố nhất là khu vực vùng hồ thủy điện sông Đà, cảnh báo kịp thời đến chính quyền địa phương và người dân để chủ động các  biện pháp phòng tránh nhằm giảm thiểu thiệt hại trong sản xuất nuôi trồng thuỷ sản; tư vấn cho người dân có  biện pháp phòng chống dịch bệnh, biện pháp chăm sóc, bảo vệ đàn cá thương phẩm. Quản lý chặt chẽ các nguồn nước, hồ chứa, chủ động thực hiện điều tiết nước tưới hợp lý, tiết kiệm phục vụ sản xuất, sinh hoạt. Tiếp tục quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có. Duy trì công tác trực phòng chống cháy rừng. Đôn đốc các đơn vị thực hiện tốt công  tác quản lý  giống cây trồng lâm nghiệp. Thực hiện sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản trong tình tình dịch bệnh Covid 19…/.