Theo báo cáo số 495/BC-TS, ngày 14/6/2024 của Chi cục Thủy sản về việc cá nuôi lồng bị chết chưa rõ nguyên nhân tại xóm Tham, xã Vầy Nưa, huyện Đà Bắc. Chi cục Thủy sản đã thành lập Đoàn công tác cùng với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đà Bắc, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp, lãnh đạo xã Vầy Nưa trực tiếp đến xóm Tham, xã Vầy Nưa để kiểm tra, lấy 04 mẫu nước, 04 mẫu cá gửi để phân tích và xác định nguyên nhân. Căn cứ Phiếu kết quả phân tích mẫu ngày 19/6/2024 của Trung tâm Quan trắc Môi trường và Bệnh thủy sản miền Bắc, Viện nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I, Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh thì nguyên nhân cá chết là do bị bội nhiễm nấm, ký sinh trùng và vi khuẩn. Để tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh thủy sản, giảm thiểu thiệt hại cho người nuôi trồng thủy sản. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố, Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Chi cục Thủy sản triển khai thực hiện tốt một số nội dung sau đây:
Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố: Chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với chính quyền cơ sở bám sát địa bàn, đẩy mạnh công tác giám sát chủ động, kịp thời cảnh báo nguy cơ xảy ra dịch bệnh, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh, xây dựng cơ sở sản xuất giống thủy sản an toàn dịch bệnh.
Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến quy định, hướng dẫn kỹ thuật về phòng, chống dịch bệnh cho người nuôi trồng thuỷ sản, khi phát hiện có thủy sản chết, nghi mắc bệnh phải báo cáo với cơ quan chuyên môn và chính quyền cơ sở để kịp thời xử lý.
Đối với các huyện vùng hồ chứa thủy điện Hòa Bình (Mai Châu, Đà Bắc, Tân Lạc, Cao Phong và Thành phố Hòa Bình) là địa bàn trọng điểm về nuôi trồng thuỷ sản, đề nghị hướng dẫn các cơ sở nuôi triển khai các biện pháp phòng dịch bệnh như sau: Cải tạo và vệ sinh môi trường nuôi: Quá trình nuôi cần phải giữ vệ sinh lồng nuôi để đảm bảo chất lượng nước tốt; sử dụng sục khí để tăng oxy trong nước khi thấy cá nổi đầu. Dùng vôi để khử trùng lồng nuôi định kỳ 1-2 lần/tháng.
Khử trùng thức ăn và nơi cho ăn: Thức ăn là động vật tươi sống cần được nấu chín. Cần vớt bỏ thức ăn thừa sau mỗi ngày cho ăn, định kì khử trùng dụng cụ/ nơi cho ăn/sàng ăn bằng vôi bột, VICATO, thuốc tím ....
Cho cá ăn đủ chất, đủ lượng, thức ăn không bị hư thối, không nên để cá bị đói. Bổ sung thêm một số chất vi lượng để tăng cao sức đề kháng cho cá như: Vitamin (C, B6, E, A).
Cơ sở nuôi thực hiện biện pháp treo túi vôi bột: 1-2 túi, mỗi túi chứa 2-3 kg cho lồng từ 75-100 m3; phương pháp treo ở độ sâu 0,8-1,2 m, tập trung ở chỗ cho cá ăn và phía đầu nguồn nước chảy.
Trong quá trình nuôi thường xuyên theo dõi đối tượng nuôi và các yếu tố môi trường nhằm phát hiện kịp thời các hiện tượng bất thường (cá nổi đầu, bơi chậm…) thì ngừng cho cá ăn, sử dụng máy bơm hoặc quạt nước làm tan và loãng môi trường nuôi đồng thời tăng cường sục khí.
Tiến hành thu tỉa khi thuỷ sản nuôi đạt kích cỡ thu hoạch. Hạn chế đánh bắt, san thưa vào những ngày nắng nóng, thời điểm nắng nóng trong ngày.
Khi phát hiện cá chết đề nghị các hộ nuôi thu gom, vớt mang lên bờ chôn lấp. Tuyệt đối không vứt cá chết ra môi trường nước xung quanh các lồng nuôi.
Đối với huyện Đà Bắc đề nghị thành lập Đoàn công tác trực tiếp đi kiểm tra các vùng nuôi trồng thủy sản đang có nguy cơ cao phát sinh dịch bệnh để đôn đốc, hướng dẫn các cơ sở nuôi triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, giảm thiểu thiệt hại cho người nuôi.
Giao Chi cục Chăn nuôi và Thú y: Tổ chức triển khai các nội dung qui định tại thông tư số 04/2026/TT-BNNPTNT, ngày 10/5/2016 của Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn về phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản; Kế hoạch số 225/KH-UBND, ngày 16/11/2023 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Hòa Bình về triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản trên địa bàn tỉnh Hòa Bình năm 2024.
Phối hợp với chính quyền địa phương chỉ đạo cơ quan chuyên môn chủ động bám sát địa bàn, theo dõi diễn biến tình hình dịch bệnh, phương châm “phòng bệnh chủ động từ sớm, từ xa”. Thống kê, báo cáo, đánh giá tình hình dịch và có giải pháp chống dịch cụ thể, chấn chỉnh công tác giám sát, báo cáo số liệu dịch bệnh thủy sản từ tuyến cơ sở đến cấp tỉnh.
Chi cục Thủy sản: Phối hợp với các địa phương kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch số 137/KH-SNN, ngày 29/02/2024 của Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn về nuôi trồng, khai thác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản năm 2024; Công văn số 1318/SNN-TS, ngày 22/5/2024 về việc tăng cường công tác phòng, chống thiên tai chuyên ngành thủy sản năm 2024.
Thường xuyên trao đổi, chia sẻ thông tin về kết quả quan trắc môi trường, giám sát dịch bệnh với Chi cục Chăn nuôi và Thú y. Hướng dẫn người nuôi trồng thủy sản xử lý môi trường và phòng chống dịch bệnh kịp thời, hiệu quả.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố, Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Chi cục Thủy sản triển khai thực hiện và báo cáo theo quy định./.