Trong công tác quy hoạch, UBND tỉnh yêu cầu đẩy nhanh tiến độ lập Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Lập và tổ chức thực hiện kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021 – 2025 cấp tỉnh; Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 – 2030 và kế hoạch sử dụng đất năm 2022 cấp huyện. Tiếp tục rà soát, điều chỉnh và lập các đồ án quy hoạch quan trọng như các quy hoạch phân khu, quy hoạch vùng liên huyện, quy hoạch vùng huyện và điều chỉnh quy hoạch vùng liên huyện, quy hoạch vùng huyện và điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng các đô thị đã được điều chỉnh mở rộng theo Nghị quyết 830 của UBTVQH14 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tỉnh Hòa Bình.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính. Đánh giá kết quả xác định chỉ số cải cách năm 2021, đề ra các giải pháp khắc phục nhằm cải thiện, nâng cao chỉ số cải cách hành chính của tỉnh năm 2022 và những năm tiếp theo gắn với Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) và Chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công (PAPI) của tỉnh. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin. Tiếp tục triển khai xây dựng, phát triển Chính quyền điện tử của tỉnh; triển khai thực hiện tốt Hệ thống hội nghị truyền hình của tỉnh. Nâng cao chất lượng phục vụ của cơ chế một cửa, một cửa liên thông thông qua phần mềm điện tử một cửa tại Trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện; đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4. Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Để triển khai hiệu quả Đề án 04, ngày 10/10/2021 của BTV Tỉnh ủy về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao giai đoạn 2021 – 2025, BCĐ Đề án thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh ban hành Kế hoạch số 03 ngày 28/2/2022 về thực hiện Đề án số 04-ĐA/TU của BTV Tỉnh ủy, dự kiến chi khoảng 3.973 tỷ đồng để thực hiện Đề án 04. Trong đó sẽ tập trung phát triển nguồn nhân lực gắn với giải quyết việc làm, tăng năng suất lao động. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp trong và ngoài nước; tăng cường gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp. Phát triển mạnh các hình thức dạy nghề cho lao động nông thôn và chuyển dịch cơ cấu lao động, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Để triển khai hiệu quả Đề án 02, ngày 26/8/2021 của BTV Tỉnh ủy về hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ hiện đại, trọng tâm là ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông đường bộ và hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2020 – 2025, BCĐ Đề án thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh ban hành Kế hoạch số 01 ngày 28/2/2022, dự kiến tổng kinh phí thực hiện đề án trong giai đoạn này là trên 115 nghìn tỷ đồng. Trong đó tập trung huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Trong năm nay, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư công đã được giao kế hoạch vốn năm 2022, bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình và giải ngân 100% kế hoạch vốn được giao. Ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình giao thông quan trọng mang tính đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội. Tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm như: Đường Hòa Lạc – Hòa Bình (giai đoạn 2) theo quy mô đường cao tốc, đường liên kết vùng Hòa Bình – Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hòa Bình – Mộc Châu); tiếp tục đầu tư hoàn thành và đẩy nhanh tiến độ các tuyến đường nối từ đường Trần Hưng Đạo đến phường Dân Chủ kết nối với Quốc lộ 6, đường kết nối hạ tầng giao thông thủy lợi tỉnh Hòa Bình với hạ tầng giao thông quốc gia, đường tỉnh 436, đường tỉnh 438, đường tỉnh 438B, đường tỉnh 445, đường tỉnh 450, đường kết nối thị trấn Lương Sơn – Xuân Mai (Hà Nội), đường Quang Tiến – Thịnh Minh, thành phố Hòa Bình….
Tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển đô thị tỉnh Hòa Bình đến năm 2025. Tập trung phát triển hệ thống đô thị theo hướng hiện đại kết hợp với bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc và thân thiện với môi trường. Tập trung đầu tư nâng cấp, phát triển hệ thống công trình thủy lợi phục vụ đa mục tiêu. Lồng ghép hiệu quả các nguồn vốn để đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới các công trình cấp nước sạch tập trung cho các xã, cụm xã, các khu đông dân cư. Khuyến khích xã hội hóa các công trình cấp nước, đảm bảo đủ nguồn nước phục vụ hoạt động của các cơ sở sản xuất. Tiếp tục thúc đẩy triển khai đầu tư cải tạo lưới điện, đảm bảo cung ứng điện một cách tốt nhất với chất lượng phục vụ ngày càng cao đáp ứng nhu cầu thiết yếu cho sản xuất và đời sống của người dân.
Sự ban hành kịp thời kế hoạch thực hiện các đề án là cơ sở để các ngành, các cấp địa phương cụ thể hóa các nội dung nhiệm vụ, giải pháp, có lộ trình rõ ràng nhằm tạo sự thống nhất trong quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện các đề án và Nghị quyết. Trong quá trình thực hiện cần vận dụng linh hoạt, sáng tạo lồng ghép các chương trình, dự án, chính sách của Trung ương, của tỉnh và các huyện thành phố để hoàn thành tốt các mục tiêu đề án, thực hiện đồng bộ, hiệu quả 4 đột phá chiến lược đã được đề ra./.