Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hòa Bình đến năm 2020 ghi rõ: phấn đấu tăng trưởng lĩnh vực thủy sản giai đoạn 2011- 2020 đạt 9,2%, giai đoạn 2016 -2020 đạt 8,0%. Tỉnh Hòa Bình tập trung phát triển thủy sản theo hướng đa dạng, tận dụng tối đa tiềm năng mặt nước, áp dụng quy trình công nghệ nuôi tiên tiến để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả; kết hợp nuôi thả các giống các thủy sản truyền thống với nuôi các loại thủy sản đặc sản.
Chỉ tính riêng thủy vực Hồ Hòa Bình hiện có 123 loài cá thuộc 79 giống, 19 họ, 10 bộ sinh trưởng. Trong đó, đa số là thuộc họ cá chép, bộ cá vược, bộ cá nheo, đặc biệt là có 13 loài cá quý hiếm như cá: chiên, bỗng, lăng, dầm xanh, trâu sứt…Nhưng tới nay, do quá trình khai thác nên nguồn lợi thủy sản trên hồ Hòa Bình đang suy giảm đáng kể. Nhận thức được tầm quan trọng đặc biệt của kinh tế phát triển thủy sản nước ngọt mang lại, từ năm 2002 đến nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh Hòa Bình đã quan tâm, dành một phần kinh phí thả bổ sung vào hồ thủy điện Hòa Bình trên 100 tấn cá giống các loại, trong đó riêng lễ hội thả cá năm 2014 đã thả 35.000 con cá giống gồm các loại cá lăng, chày mắt đỏ, trắm với tổng kinh phí khoảng 300 triệu đồng. Việc thả cá giống đã giúp phục hồi và tái tạo nguồn lợi thuỷ sản và các hệ sinh thái, thả bổ sung hàng năm vào một số thuỷ vực tự nhiên có điều kiện một số loài thuỷ sản bản địa, quí hiếm có nguy cơ tuyệt chủng. Tăng mật độ quần thể các loài thuỷ sản đã bị khai thác cạn kiệt, cân bằng sinh thái, ổn định quần xã sinh vật thuỷ sinh.
Theo quy hoạch được UBND tỉnh phê duyệt, dự kiến đến năm 2015, toàn tỉnh có diện tích nuôi thủy sản khoảng 2.500 – 2.600ha, đến năm 2020 đạt khoảng 2.900 – 3.000ha. Sản lượng nuôi trồng thủy sản tăng lên 4.600 tấn năm 2015 và đạt 6.500 tấn năm 2020. Trong đó sẽ phát triển thủy sản tại 4 địa vực là: phát triển nuôi thủy sản ao, hồ nhỏ; nuôi thủy sản ruộng cấy lúa; nuôi thủy sản hồ chứa quy mô lớn; nuôi cá lồng, cá bè trên sông. Riêng về phát triển nuôi cá lồng, cá bè trên sông sẽ tập trung ở các địa phương: thành phố Hòa Bình, Kỳ Sơn, Kim Bôi(trên sông Bôi), Lạc Thủy(sông Bôi), Lương Sơn(sông Bôi thuộc xã Tân Vinh, Nhuận Trạch, thị trấn), Lạc Sơn(sông Bưởi).
Theo định hướng khai thác của tỉnh, sẽ không mở rộng phát triển khai thác thủy sản tự nhiên trên các sông, suối, chỉ duy trì ở mức hiện nay với hình thức đánh bắt quy mô nhỏ hộ gia đình bằng các nghề truyền thống như vó bò, đăng, đáy, chài lưới. Các điểm khai thác tại những đoạn sông, suối sâu, rộng, nước chảy chậm hoặc khúc nước quẩn trên các sông như sông Bôi, sông Bưởi, sông Bùi, ở tất cả các suối khác và khu vực hạ lưu sông Đà. Dự kiến sản lượng đánh bắt ở các sông, suối với mức 120 – 150 tấn/năm, trên hồ thủy điện Hòa Bình sản lượng 1.000 - 1.100 tấn và các hồ thủy lợi 500- 600 tấn/năm.
Tỉnh tập tập trung các biện pháp triển khai chú trọng bảo vệ nguồn lợi, bảo vệ quỹ gen thủy sản quý hiếm và thả giống ra tự nhiên để tái tạo nguồn lợi. Thả giống bổ sung nguồn lợi trên hồ thủy điện Hòa Bình và đẩy mạnh khai thác cá thả. Bảo vệ bãi đẻ của các loài cá rầm xanh, cá anh vũ, cá bống, cá lăng, cá chiên trên sông Đà ở các khu vực huyện Đà Bắc, Tân Lạc, Mai Châu vì vào mùa mưa các thường tập trung về đây để đẻ trứng. Bảo vệ bãi đẻ của các loài cá mè trắng, cá trắm đen, cá trắm cỏ trên sông Đà ở các khu vực huyện Đà Bắc, Mai Châu./.