Năm 2022, có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025 của tỉnh, trong đó có đóng góp không nhỏ của ngành nông nghiệp, đặc biệt là nỗ lực thực hiện thắng lợi mục tiêu của ngành trong năm 2022 là: “Thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông thôn; tập trung thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới nhằm hướng tới xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”. Do đó ngay từ đầu năm, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, ngành nông nghiệp đã sẵn sàng những điều kiện cơ bản để thực hiện tốt các nhiệm vụ. Ngay từ đầu năm, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo Phòng NN&PTNT các huyện, thành phố kiểm tra tại các xã, phường về việc cung cấp nước tưới đảm bảo đủ nước cho người dân gieo mạ, làm đất cấy vụ xuân 2022; thu hoạch cây rau màu vụ đông. Chủ động phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi đàn gia súc, gia cầm đặc biệt trong điều kiện thời tiết giao mùa. Các địa phương cần bám sát cơ sở, nắm chắc tình hình dịch bệnh để nhanh chóng phát hiện và xử lý kịp thời, hỗ trợ xác đáng cho người dân. Bên cạnh đó ngành cũng đặc biệt chú ý tới công tác thủy lợi và phòng, chống thiên tai. Ngay từ đầu tháng 1, sở đã ban hành công văn yêu cầu UBND các huyện, thành phố chủ động các giải pháp ứng phó với thiên tai trong sản xuất nông nghiệp, nắm bắt tình hình rét đậm, rét hại, giông lốc, băng giá, mưa tuyết, sương mù và áp thấp trên biển Đông. Ngành hướng dẫn đầy đủ các địa phương các biện pháp ứng phó với thiên tai và thời tiết bất lợi dối với các loại cây trồng, vật nuôi nhằm giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
Đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp trên các lĩnh vực theo hướng toàn diện, hiện đại, tăng trưởng cao, bền vững. Trong đó, đối với lĩnh vực trồng trọt, cần tổ chức liên kết xây dựng cánh đồng lớn gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm ở những nơi có điều kiện. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản phẩm phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tiếp tục hỗ trợ tích tụ ruộng đất, dồn điền đổi thửa tạo cánh đồng lớn, thúc đẩy phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung. Tổ chức sản xuất theo chuỗi đối với các sản phẩm chủ lực của tỉnh; khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học. Phấn đấu diện tích gieo trồng cây hàng năm đạt 118,5 nghìn ha; cây lương thực có hạt 71 nghìn ha, sản lượng 36 vạn tấn; giá trị sản phẩm trên 1 ha canh tác đất trồng trọt đạt từ 140 triệu đồng trở lên. Diện tích cây ăn quả có múi trên 11,2 nghìn ha, diện tích kinh doanh trên 8 nghìn ha, sản lượng trên 17 vạn tấn.
Trong lĩnh vực chăn nuôi cần chuyển đổi cơ cấu vật nuôi phù hợp, đáp ứng nhu cầu trị trường; tập trung phát triển các sản phẩm chăn nuôi chủ lực. Phát triển đồng bộ, toàn diện đối với lĩnh vực thủy sản, tích cực bảo vệ nguồn lợi thủy sản, phát huy lợi thế mặt nước để tiếp tục nuôi trồng sản phẩm thủy nông có chất lượng cao được thị trường ưa chuộng; phấn đấu năm nay tăng diện tích nuôi trồng thủy sản lên 2,7 nghìn ha, 4,9 nghìn lồng nuôi cá , sản lượng thủy sản 12 nghìn tấn, trong đó nuôi trồng 10 nghìn tấn, khai thác 2 nghìn tấn.
Ngay từ đầu năm các địa phương cần phát động Tết trồng cây, phấn đấu trong năm trồng rừng tập trung trên 5 nghìn ha, chăm sóc bảo vệ 100% diện tích rừng trồng hiện có, nâng cao thu nhập cho người dân làm nghề rừng. Bên cạnh đó, tiếp tục thúc đẩy phát triển chế biến nông sản và tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp; tăng cường xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập, ổn định và cải thiện điều kiện sống của dân cư nông thôn. Toàn ngành phấn đấu phục hồi và tăng trưởng mạnh trong năm 2022, đạt và vượt một số chỉ tiêu đề ra như: Tốc độ tăng trưởng Ngành Nông nghiệp và Thủy sản 4,5%; Tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 51,5%; Tỷ lệ dân nông thôn được cung cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 95,5%; Có thêm 06 xã về đích nông thôn mới, nâng tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 52,7%; trung bình số tiêu chí nông thôn trên 1 xã đạt 16 tiêu chí; số sản phẩm OCOP được chuẩn hóa hoặc nâng hạng là 16 sản phẩm./.