Theo ông Nguyễn Hồng Yến, Chi cục BVTV tỉnh hiện nay lúa đông xuân trên địa bàn trà sớm đang trong giai đoạn trỗ bông, phơi màu; trà chính ôm đòng, đòng già; trà muộn phân hóa đòng, ôm đòng. Tuy nhiên, qua kiểm tra đồng ruộng đã có 1.360 ha lúa trên địa bàn các huyện, thành phố đang bị sâu, bệnh gây hại mạnh. Trong đó, rầy nâu, rầy lưng trắng mật độ phổ biến 300-500con/m2, nơi cao 1.000-2.000 con/m2 ở các huyện Mai Châu, Kim Bôi, Kỳ Sơn và thành phố Hòa Bình, cá biệt có ổ 3.000 con/m2 ở huyện Kỳ Sơn với rầy tuổi 1-3. Bên cạnh đó, một số nơi mật độ ổ trứng 100-300 ổ/m2 ở các huyện Kim Bôi, Kỳ Sơn và Lạc Thủy. Ngoài ra, sâu cuốn lá nhỏ mật độ trung bình 1-2con/m2, cao 3-5 con/m2 ở hai huyện Lương Sơn và Cao Phong với sâu tuổi 5; sâu đục thân hai chấm tỷ lệ hại 0,5-1% số dảnh, cục bộ có ruộng 3-5% số dảnh ở hai huyện Lạc Thủy và Lương Sơn, hiện sâu tuổi 5 nhộng, một sô nơi trưởng thành vũ hóa; bọ xít đen mật độ trung bình 2-3 con/m2, nơi cao 5-7 con/m2 ở các huyện Kim Bôi và Yên Thủy, bọ xít trưởng thành; bọ xít dài xuất hiện hại trên những ruộng đòng già - trỗ, mật độ phổ biến 1-2con/m2 các huyện Kỳ Sơn và Lạc Thủy, bọ xít trưởng thành.
Hơn nữa, bệnh đạo ôn tiếp tục hại trên giống nhiễm, vùng ổ bệnh cũ, tỷ lệ hại phổ biến 0,5 -1 % số lá, cao 5-7% số lá ở các huyện Yên Thủy, Kỳ Sơn, Lương Sơn và thành phố Hòa Bình, cục bộ có ruộng 7-10% số lá ở hai huyện Lạc Sơn và Kỳ Sơn, bệnh cấp 1-5; bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn xuất hiện gây hại trên vùng ổ bệnh cũ, giống nhiễm tỷ lệ phổ biến 3-5% số lá, cao 7-10% số lá ở huyện Kỳ Sơn, bệnh cấp 1-3; bệnh khô vằn hại cục bộ tỷ lệ phổ biến 3-7% số dảnh, cao 20-40% số dảnh ở các huyện Lạc Thủy, Kỳ Sơn và Kim Bôi, bệnh cấp 3-5; bệnh nghẹt rễ lúa hại rải rác, tỷ lệ hại phổ biến 1-2% số dảnh, khóm, cao 3-5% số dảnh, khóm ở huyện Mai Châu, bệnh cấp 1-3; chuột tiếp tục gây hại trên lúa giai đoạn phân hóa đòng - trỗ, tỷ lệ phổ biến 1-3% số dảnh, cao 7-10% số dảnh ở các huyện Kỳ Sơn, Lương Sơn, Lạc Thủy, Tân Lạc và Lạc Sơn; các đối tượng khác hại rải rác.
Cũng theo ông Nguyễn Hồng Yến, dự báo bệnh đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông, bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn tiếp tục gây hại trên các trà lúa, giống nhiễm, vùng ổ bệnh cũ, ruộng bón thừa đạm, đặc biệt trong điều kiện thời tiết âm u, ít nắng, ẩm độ cao đặc biệt chú ý sau các đợt mưa dông kèm theo gió mạnh. Vì vậy, bà con nông dân cần chú ý rầy cám lứa 3 nở rộ trên các trà lúa, đặc biệt những ổ rầy trên những chân ruộng chua trũng, lầy thụt, giống nhiễm rầy; bệnh khô vằn tiếp tục xuất hiện, hại tăng trên các trà lúa, giống nhiễm, những ruộng cấy dày, bón phân không cân đối, bón đạm muộn; sâu cuốn lá nhỏ lứa 3 tiếp tục tăng mật độ và diện phân bố trên các trà lúa, mật độ nơi cao trên 10 con/m2 gây xơ trắng bộ lá công năng; sâu đục thân bướm 2 chấm: Sâu non tiếp tục gây dảnh héo, bông bạc trên trà sớm và chính vụ trỗ vào đầu tháng 5; bệnh virus (lùn sọc đen, vàng lùn, lùn xoắn lá) có thể xuất hiện trên các trà lúa, giống nhiễm rầy. Cần đặc biệt chú ý trên các giống (Nhị ưu 838, BC15, TH3-3, TH3-4, Khang dân, Q5, Bắc thơm, Hương thơm), vùng ổ bệnh cũ; bệnh đốm nâu, tiêm lửa, vàng lá sinh lý tiếp tục hại trên những chân ruộng chua, ruộng thiếu lân, chăm sóc kém; chuột hại tiêp tục hại tăng trên lúa giai đoạn đòng già, trỗ bông và hại trên các cây trồng cạn.
Ngoài ra, trên các loại cây trồng cạn theo dự báo sâu cắn lá nõn, sâu khoang, sâu đục thân, rệp cờ, bệnh khô vằn tiếp tục hại rải rác trên ngô xuân; rệp, sâu tơ, sâu khoang, sâu xám, sâu xanh, bọ nhảy, bệnh sương mai, bệnh thối nhũn,... tiếp tục hại trên rau hè xuân hè; bệnh sương mai, bệnh giả sương mai, bệnh thán thư, bệnh phấn trắng, bệnh xoăn lá, khảm lá, bọ trĩ, ruồi đục lá... tiếp tục gây hại trên cây họ bầu bí; sâu khoang, sâu cuốn lá, sâu đục quả, rệp, bệnh héo xanh, héo vàng tiếp tục hại trên lạc, đậu tương xuân; sâu đục thân, đục ngọn, bọ hung, bệnh thôis ngọn mía gây hại rải rác trên các vùng trồng mía giai đoạn mọc mầm- cây con; bệnh sẹo, loét, nhện, sâu vẽ bùa, bướm phượng, rệp sáp,... tiếp tục gây hại trên các vùng trồng cam quýt; nhện lông nhung, bệnh chổi rồng, sâu đục gân lá, sâu đục cành,... hại rải rác trên các vườn nhãn, vải.
Hiện nay, Chi cục BVTV tỉnh khuyến cao bà con nông dân các địa phương cần tăng cường các biện pháp chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho lúa và các cây trồng cạn. Những chân ruộng lúa sinh trưởng kém cần bổ xung thêm phân bón qua lá. Đồng thời đề nghị trạm BVTV các huyện, thành phố cần nắm bắt chắc diện tích và cơ cấu cây trồng; theo dõi các đối tượng sâu bệnh xuất hiện trên lúa cần chú ý sự di trú của rầy, vũ hoá của sâu đục thân, sâu cuốn lá nhỏ, bệnh đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông, bệnh thối thân vi khuẩn, bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn, bệnh lùn trên ngô, chuột hại và các đối tượng sâu bệnh trên cây trồng cạn. Chỉ đạo phòng trừ kịp thời những nơi có mật độ sâu, tỷ lệ bệnh cao; đẩy mạnh chiến dịch diệt trừ chuột; duy trì hệ thống bẫy đèn phục vụ cho công tác dự tính dự báo dịch hại cây trồng...