Thời gian qua, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và phòng cháy chữa cháy rừng. Tính đến ngày 31/12/2022, diện tích rừng của tỉnh là 237.299,32 ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt 51,69%. Các hệ sinh thái rừng đã phát huy được giá trị đa dụng, chức năng phòng hộ, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dang sinh học và đem lại hiệu quả kinh tế, góp phần cải thiện sinh kế, nâng cao thu nhập cho người làm nghề rừng. Tuy nhiên, ở một số địa phương, tình hình vi phạm các quy định về quản lý bảo vệ và phát triển rừng vẫn xảy ra; diện tích rừng tăng nhưng chất lượng và khả năng phòng hộ của rừng còn hạn chế, đây là một trong số các nguyên nhân dẫn đến tình trạng lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đã xảy ra trong thời gian vừa qua. Để tăng cường công tác quản lý rừng, từng bước hạn chế tình trạng trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố thực hiện một số nội dung sau:
Chủ động rà soát, đánh giá hiện trạng công tác quản lý rừng và đất lâm nghiệp tại địa phương. Xác định cơ cấu, diện tích và chủ quản lý ba loại rừng một cách hợp lý nhằm phát huy tối đa tiềm nǎng, vai trò, giá trị và chức nǎng của từng loại rừng. Kiên quyết không thực hiện chuyển loại rừng, đưa những diện tích đất rừng ở những nơi có các hệ sinh thái tự nhiên; nơi có độ cao, độ dốc lớn, gần đường giao thông, gần khu tập trung dân cư và những diện tích rừng ở đầu nguồn các lưu vực sông, suối ra khỏi quy hoạch rừng đặc dụng, phòng hộ để đảm bảo chức năng phòng hộ của rừng.
Rà soát diện tích đất trống thuộc quy hoạch rừng phòng hộ, đặc dụng để đăng ký kế hoạch trồng rừng thay thế. Hướng dẫn, giám sát, chỉ đạo công tác trồng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ theo chương trình, đề án, dự án đã được cấp có thẩm quyên phê duyệt; đảm bảo thực hiện đúng quy định về đối tượng, loài cây trồng, mật độ trồng, phương thức trồng theo quy định tại Thông tư số 29/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 và Thông tư số 17/2022/TT-BNNPTNT ngày 27/10/2022 của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định về các biện pháp lâm sinh. Trong đó, ưu tiên trồng rừng bằng các cây bản địa, trồng rừng phòng hộ đầu nguồn ở các khu vực, vị trí xung yếu, có độ dốc trên 30°. Trồng lại rừng sau khi khai thác rừng sản xuất, hạn chế biện pháp phát, đốt toàn diện khi xử lý thực bì dẫn tới nguy cơ làm mất khả năng tự cân bằng dinh dưỡng, thoái hoá đất và chức năng phòng hộ của rừng. Tổ chức rà soát đánh giá diện tích rừng trồng phòng hộ hiện có đảm bảo tiêu chí thành rừng theo tiêu chuẩn của quốc gia (TCVN 12509 và TCVN 12510).
Tổ chức kiểm tra, đánh giá về vị trí, tỷ lệ được phép canh tác, quy mô diện tích đang thực hiện nông - lâm - ngư kết hợp trong rừng phòng hộ, sản xuất và nghiên cứu khoa học trong rừng đặc dụng, đảm bảo không làm suy giảm diện tích, chất lượng rừng, ảnh hưởng đến tái sinh rừng và chức năng của rừng theo quy định của quy chế quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ, sản xuất quy định tại Nghị định 156/ND-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ. Rà soát, xác định những khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, xói lở bờ sông, suối để có kế hoạch trồng rừng bảo vệ đất, bảo vệ môi trường.
Đối với xây dựng các công trình hạ tầng, công trình bảo vệ rừng và công trình du lịch sinh thái, giải trí, nghỉ dưỡng trên các khu rừng sản xuất, phòng hộ, đặc dụng phải đảm bảo thực hiện đúng quy chế quản lý rừng xản xuất, đặc dụng, phòng hộ, Phương án quản lý rừng bền vững hoặc Đề án Du lịch sinh thái, giải trí, nghỉ dưỡng được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đối với các công trình đã xây dựng trên đất rừng đặc dụng, phòng hộ cần rà soát xác định những công trình có nguy cơ sạt lở để có phải pháp xây kè chắn, hệ thống thoát nước. Kiên quyết đình chỉ hoặc di dời các công trình ở khu vực có nguy cơ sạt lở cao, những công trình xây dựng trái phép.
Thực hiện tốt trách nhiệm quản lý nhà nước về lâm nghiệp tại địa phương theo quy định tại Luật lâm nghiệp và Quyết định số 73/QĐ-UBND ngày 14/01/2020 của Uỷ ban nhân dân tỉnh. Tăng cường công tác thực thi pháp luật về lâm nghiệp; kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, đặc biệt dự án có chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên, dự án chưa hoàn thành thủ tục đầu tư theo quy định; kịp thời phát hiện, xử lý hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm theo quy định.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố triển khai thực hiện./.