DetailController

Thủy sản

Tăng cường quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm và xúc tiến tiêu thụ nông, lâm, thủy sản

10/02/2023 00:00
Năm 2022, ngành Nông nghiệp và PTNT đã tích cực phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp tăng cường quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản và xúc tiến tiêu thụ nông sản, kết quả đã đạt được chuyển biến tích cực: Nhận thức về an toàn thực phẩm của người sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng và trách nhiệm của cơ quan quản lý được nâng lên; qua kiểm tra, giám sát cho thấy vi phạm về an toàn thực phẩm giảm rõ rệt so với năm 2021. Bên cạnh đó việc xuất khẩu nông sản đã có nhiều khởi sắc, tổng giá trị hàng hóa nông sản xuất khẩu tăng mạnh so với chỉ tiêu của Ủy ban nhân dân tỉnh giao.
Tăng cường quản lý chất lượng nông sản, tiến tới phục vụ xuất khẩu sang các thị trường lớn

Để tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới; để tận dụng cơ hội, phát huy những tiềm năng, lợi thế trong sản xuất nông sản, vượt qua khó khăn thách thức khó lường, Sở Nông nghiệp và PTNT ban hành Công văn số 233/SNN-QLCL, ngày 8/2/2023 về việc tăng cường quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm và xúc tiến tiêu thụ nông lâm thủy sản, đề nghị Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các Chi cục chuyên ngành tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Đối với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố: Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện công tác an toàn thực phẩm theo Kế hoạch số 103/KH-UBND ngày 06/6/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình, triển khai có hiệu quả Kế hoạch số 149-KH/TU ngày 31/01/2023 của Ban thường vụ Tỉnh ủy. Tuyên truyền, phổ biến kiến thức về an toàn thực phẩm và việc sử dụng hóa chất, kháng sinh trong trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra về chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm. Xây dựng mô hình tổ/đội truyền thông, giám sát cộng đồng về an toàn thực phẩm ở cấp xã có sự tham gia của các cấp Hội Nông dân, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên và lực lượng khuyến nông cộng đồng.

Tổ chức vùng sản xuất, hợp tác sản xuất, hỗ trợ cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi, liên kết chuỗi giá trị cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng, truy xuất được nguồn gốc từ sản xuất đến tiêu dùng; quan tâm xây dựng, vận hành mô hình chợ đầu mối, chợ truyền thống đảm bảo an toàn thực phẩm.

Tăng cường phối hợp với các Sở, ngành, các doanh nghiệp để tìm kiếm thị trường, đối tác tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là các đối tác xuất khẩu nông sản; tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chủ lực, có lợi thế của địa phương

Đối với các Chi cục chuyên ngành: Tổ chức tuyên tuyền, tập huấn, nâng cao trình độ, hiểu biết về quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm; phát triển thị trường, nông nghiệp hữu cơ; chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn trong sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản. Triển khai các chương trình khoa học công nghệ nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm; chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về công nghệ bảo quản, chế biến sâu; ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong sản xuất, chế biến, kinh doanh nông lâm thủy sản. Phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện/thành phố và các doanh nghiệp hỗ trợ người sản xuất kết nối với các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản để mở rộng thị trường, nâng cao sản lượng tiêu thụ trong thời gian tới. Tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra chất lượng an toàn thực phẩm theo chuỗi giá trị, đặc biệt tại các khâu sản xuất ban đầu, chợ đầu mối nông sản; kịp thời phát hiện, cảnh báo xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm, buôn lậu, gian lận thương mại./.