DetailController

Kinh tế

Tăng cường hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần giảm nghèo bền vững

15/07/2024 16:52
Thực hiện Tiểu dự án 1 Dự án 3 về hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, từ năm 2021 tới hết 2023, toàn tỉnh đã và đang triển khai thực hiện 83 dự án.

Trong đó: Sở NN&PTNT thực hiện 05 dự án; huyện Mai Châu 12 dự án; Đà Bắc 18 dự án; Lạc Sơn 25 dự án; Yên Thủy 02 dự án; Kim Bôi 07 dự án; Lạc Thủy 03 dự án; Tân Lạc 03 dự án; Cao Phong 03 dự án; Thành phố Hòa Bình 05 dự án. Trong đó đó có: 25 dự án trồng trọt, hỗ trợ nông cụ và 57 dự án chăn nuôi, 01 dự án lĩnh vực lâm nghiệp. Tổng 3.189 hộ thuộc đối tượng hộ gia đình nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo trong vòng 36 tháng được hỗ trợ. Căn cứ hướng dẫn, các địa phương đã thực hiện hỗ trợ con giống chăn nuôi, hỗ trợ nông cụ phục vụ sản xuất cho các hộ thuộc đối tượng thụ hưởng của Chương trình như: chăn nuôi bò lai Sind sinh sản, chăn nuôi dê, máy nông nghiệp và bình phun thuốc bảo vệ thực vật...

Kết quả trên đã đóng góp không nhỏ vào nỗ lực từng bước giảm nghèo của tỉnh. Theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo cuối năm 2023 thì tỷ lệ nghèo đa chiều giảm còn 18,12% trong đó: Số hộ nghèo giảm còn 20.306 hộ, chiếm tỷ lệ 9,2 %; Hộ cận nghèo: 19.692 hộ chiếm tỷ lệ 8,92% so với tổng số hộ dân trên địa bàn.  Kế hoạch năm 2024 tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm là 2,3-2,5%. Như vậy bình quân giai đoạn 2022-2024 tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 2,86% đạt Kế hoạch đề ra. Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm từ 20,08% (số liệu đầu kỳ rà soát cuối năm 2021) xuống còn 11,99% cuối năm 2023. Kế hoạch năm 2024 giảm từ 2,5-3% như vậy bình quân giai đoạn 2022-2024 tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số bình quân giảm trên 5% đạt và vượt kế hoạch đề ra. 100% hộ nghèo, cận nghèo có đủ điều kiện và có nhu cầu đều được hưởng các chính sách ưu đãi của nhà nước về y tế, giáo dục, nhà ở, tín dụng ưu đãi, hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm, xuất khẩu lao động, nước sinh hoạt và vệ sinh, thông tin, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo.

Nhìn chung, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là phù hợp với các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Đối tượng trọng tâm trong Chương trình là người nghèo, người dân sinh sống ở vùng khó khăn và địa bàn huyện nghèo; thực hiện mục tiêu giảm nghèo bao trùm; các dự án, hoạt động của Chương trình đều hướng tới hỗ trợ người nghèo có sinh kế, việc làm, thu nhập, chủ động vươn lên thoát nghèo bền vững; hỗ trợ địa bàn nghèo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn. Giai đoạn qua đã cơ bản thực hiện tốt việc huy động xã hội hóa nguồn lực để đầu tư, hỗ trợ thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững được thường xuyên quan tâm vận động từ các cấp, các ngành, đoàn thể, doanh nghiệp... đồng thời lồng ghép với nguồn lực từ nhiều Chương trình, dự án khác (Chương trình xây dựng nông thôn mới, nguồn trợ giúp ngoài tỉnh...) góp phần hoàn thành mục tiêu giảm nghèo bền vững trên địa bàn cụ thể: Tỉnh Hòa Bình đã tích cực đẩy mạnh công tác xã hội hóa nguồn lực huy động cho công tác giảm nghèo thông qua việc thực hiện các cuộc vận động, ủng hộ “Quỹ vì người nghèo”, Chương trình “Tết vì người nghèo”; Phong trào thi đua “Vì người nghèo không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021-2025, Phong trào thi đua cả nước chung tay “xóa nhà tạm, nhà dột nát” đến năm 2025. 

Tuy nhiên, tiến độ thực hiện giải ngân nguồn vốn Chương trình MTQG chậm, đạt tỷ lệ thấp; phần lớn các dự án, tiểu dự án đang trong quá trình triển khai, chưa xác định khối lượng cụ thể; khó khăn cho công tác theo dõi, tổng hợp báo cáo. Hộ nghèo chủ yếu tập trung vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong khi các điều kiện khó khăn, thiếu việc làm lại tập trung vùng này, vì vậy điều kiện để thoát nghèo gặp nhiều khó khăn. Thu nhập của hộ nghèo hiện chỉ đáp ứng nhu cầu tối thiểu cuộc sống; không đủ tích lũy để đề phòng tai nạn, ốm đau, mất việc làm, luôn tiềm ẩn nguy cơ tái nghèo….

Năm 2025, tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững; giảm dần khoảng cách giàu nghèo giữa các địa phương; hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo mới; hỗ trợ người nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế và an sinh xã hội bền vững. Phấn đấu 100% hộ nghèo, cận nghèo có đủ điều kiện và có nhu cầu đều được hưởng các chính sách ưu đãi của nhà nước về hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo để tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cải thiện đời sống. Tiếp tục hỗ trợ các thành viên trong hộ nghèo tiếp tục được hỗ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp giai đoạn 2026-2030./.