6 tháng đầu năm, thu NSNN trên địa bàn thành phố ước thực hiện 255,5 tỷ đồng, đạt 42,7% dự toán tỉnh và bằng 35,5% chỉ tiêu Nghị quyết HĐND; giảm 3,6% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó: Thu từ thuế, phí ước thực hiện 245,5 tỷ đồng, đạt 61,5% dự toán tỉnh và bằng 58,9% chỉ tiêu Nghị quyết HĐND thành phố, giảm 3,8% so với cùng kỳ năm trước. Thu tiền sử dụng đất ước thực hiện 10 tỷ đồng, bằng 5% dự toán tỉnh và bằng 3,3% chỉ tiêu Nghị quyết HĐND thành phố và bằng 103% so với cùng kỳ năm 2023.
So với dự toán giao cả năm, nhiều khoản thu ước thực hiện hết tháng 6/2024 đạt khá so với chỉ tiêu Nghị quyết HĐND thành phố như: thu từ doanh nghiệp nhà nước do Trung ương quản lý 540%; thu từ thuế CTN-NQD 66,8%, thuế thu nhập cá nhân 56,9%, thu phí, lệ phí 97%, thuế bảo vệ môi trường 80,3%. Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng còn có khoản thu quan trọng, chiếm tỷ trọng lớn nhưng đạt tỷ lệ thấp như: lệ phí trước bạ 38,6%; thu tiền sử dụng đất 3,3%, …
Thu ngân sách địa phương 6 tháng đầu năm 2024 ước thực hiện 916,9 tỷ đồng, đạt 68,5% dự toán tỉnh và bằng 63,4 % chỉ tiêu Nghị quyết HĐND thành phố. Nguyên nhân ước thực hiện thu NSĐP 6 tháng tăng cao là do thu chuyển nguồn ngân sách năm trước, thu bổ sung mục tiêu từ ngân sách cấp tỉnh, thu điều tiết tiền đất do cấp tỉnh thực hiện.
Tổng chi ngân sách địa phương 6 tháng đầu năm 2024 ước thực hiện 623,6 tỷ đồng, đạt 46,6% dự toán tỉnh và bằng 43,1% chỉ tiêu Nghị quyết HĐND thành phố giao, tăng 38% so với cùng kỳ năm 2023. Nhờ chủ động trong công tác điều hành NSNN và triển khai các giải pháp đảm bảo nguồn ngân sách, do đó việc thực hiện các nhiệm vụ chi ngân sách được đảm bảo kịp thời, đặc biệt là thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Công tác phân bổ dự toán và điều hành ngân sách bảo đảm đúng quy định của Luật ngân sách; công tác tổng hợp quyết toán ngân sách địa phương năm 2023, việc chuyển nguồn kinh phí năm 2023 sang năm 2024 đã được thực hiện đúng quy định. Ủy ban nhân dân thành phố Hòa Bình đã chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chi thường xuyên ngân sách Nhà nước năm 2024 theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và của tỉnh.
Từ nay tới cuối năm, số thu NSNN còn phải thực hiện để hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết HĐND thành phố giao là 463,5 tỷ đồng, tương đương với 64,5% dự toán cả năm. Nhiệm vụ chi NSNN tiếp tục điều hành trên cơ sở cân đối với nguồn thu, đặc biệt là các nguồn thu theo tiến độ như nguồn thu sử dụng đất, quản lý và sử dụng các nguồn vốn, tài sản thuộc NSNN đúng quy định Luật NSNN, bảo đảm các nhiệm vụ chi cấp thiết, bảo đảm quốc phòng, an ninh và an sinh xã hội, trên nguyên tắc tiết kiệm, hiệu quả.
Để hoàn thành nhiệm vụ thu, chi NSNN năm 2024 đòi hỏi nỗ lực phấn đấu rất lớn của các ngành, các cấp trong việc tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024. Trong đó, nhiệm vụ nặng nề nhất là phấn đấu thu tiền sử dụng đất đạt chỉ tiêu đề ra. Để hoàn thành dự toán thu tiền sử dụng đất 300 tỷ, đòi hỏi các cấp, các ngành, các phòng, ban chuyên môn, UBND các xã phường cần phải triển khai quyết liệt việc thu tiền sử dụng đất đối với các dự án đấu giá và xác định số tiền sử dụng đất phải nộp NSNN. Tập trung đẩy nhanh công tác giải quyết thủ tục hành chính đối với các dự án đang triển khai, nghiên cứu lập danh mục các khu đất có khả năng đấu giá bổ sung vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giải quyết dứt điểm những tồn tại, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về GPMB đối với một số dự án.
Dự báo trong những tháng cuối năm, số thu NSNN tiếp tục giảm do thực hiện một số chính sách miễn, giảm thuế của Chính phủ nhằm phục hồi và phát triển nền kinh tế. Để đảm bảo hoàn thành dự toán thu, Uỷ ban nhân dân thành phố giao phòng Tài chính – Kế hoạch thành phố thường xuyên phối hợp với Chi cục Thuế khu vực Hoà Bình - Đà Bắc nắm bắt tình hình thực hiện dự toán thu NSNN phấn đấu tăng thu các lĩnh vực khác để bù đắp các khoản có thể hụt thu, đảm bảo thực hiện dự toán thu NSNN ở mức cao nhất. Tập trung thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 02 - NQ/TU ngày 31/5/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về tạo nguồn thu và tăng cường quản lý thu NSNN trên địa bàn tỉnh Hoà Bình, giai đoạn 2021 - 2025; Triển khai kịp thời các chính sách miễn, giảm, gia hạn … tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế sớm ổn định sản xuất kinh doanh; tuyệt đối không gây khó khăn, phiền hà cho người nộp thuế; kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng chính sách kiểm soát dịch bệnh để gây khó khăn cho doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh.
Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp; xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, minh bạch trong đó chú trọng công khai, minh bạch các quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, nhất là quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, định hướng thu hút đầu tư,… Đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đối thoại giữa chính quyền và doanh nghiệp từ thành phố đến cơ sở; đa dạng hóa các hình thức đối thoại; chủ động tiếp thu, nắm bắt nhanh chóng khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư để có các giải pháp hỗ trợ kịp thời. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế; tập trung công tác thu hồi nợ đọng thuế nhất là các khoản thu có khả năng thu (91 tỷ) và các khoản thu khác để hoàn thành số thu từ thuế, phí.
Thực hiện kiểm soát chặt chẽ chi ngân sách. Hướng dẫn UBND các xã, phường cân đối việc sử dụng dự toán ngân sách để đảm bảo phục vụ cho các hoạt động chuyên môn của đơn vị trong cả năm. Sử dụng 40% từ nguồn thu phí được để lại đơn vị và 70% nguồn kết dư ngân sách để bố trí làm nguồn CCTL; tiếp tục thực hiện tiết kiệm thêm 5% chi thường xuyên so với dự toán được giao để tăng cho đầu tư cho hạ tầng, y tế, giáo dục, biến đổi khí hậu và an sinh xã hội theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 04/01/2024. Trong trường hợp hụt thu so với dự toán, chủ động sử dụng các nguồn lực tài chính của địa phương để bù đắp, đồng thời, thực hiện rà soát, sắp xếp lại các nhiệm vụ chi theo thứ tự ưu tiên, cắt giảm các nhiệm vụ chi tương ứng với số hụt thu; các khoản tạm dừng sẽ được bố trí vào dự toán chi năm 2025. Trường hợp đã thực hiện tất cả các biện pháp nhưng vẫn không đảm bảo nguồn thanh toán các khoản chi về tiền lương và có tính chất lương, các khoản chi an sinh xã hội, Uỷ ban nhân dân thành phố báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh đề xuất hỗ trợ, đảm bảo không để xảy ra nợ lương và nợ chế độ, chính sách an sinh xã hội…/.