DetailController

Kinh tế

Phát triển Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp góp phần quan trọng trong thúc đẩy kinh tế

11/07/2024 16:30
Qua 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 09/NQ-TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV về đẩy mạnh phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp (KCN, CCN) trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2014 – 2020; nhận thức của cán bộ, đảng viên và toàn thể Nhân dân về chủ trương, vai trò, tầm quan trọng của công tác phát triển các KCN, CCN được nâng lên. Một số quy định, cơ chế chính sách hỗ trợ được ban hành; an ninh kinh tế, chính trị, bảo vệ môi trường được đảm bảo. Kết quả phát triển sản xuất kinh doanh tại các KCN, CCN góp phần tích cực trong giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, đảm bảo an sinh và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Ngay sau khi Nghị quyết số 09-NQ/TU được ban hành, các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở đã nghiêm túc tổ chức quán triệt, nghiên cứu, học tập và tuyên truyền phổ biến nội dung của Nghị quyết đến toàn thể cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân. Qua đó, cán bộ, đảng viên và Nhân dân đã nhận thức sâu sắc, đúng đắn về quan điểm, mục tiêu và các giải pháp đột phá của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đối với việc đẩy mạnh phát triển các KCN, CCN. Để cụ thể hóa các nội dung của Nghị quyết số 09-NQ/TU, UBND tỉnh ban hành các Đề án, Kế hoạch, chương trình thực hiện; phân công, chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động xây dựng kế hoạch hoặc lồng ghép nội dung phát triển Khu, cụm công nghiệp vào chương trình, kế hoạch công tác hằng năm để tổ chức thực hiện.

Công tác xây dựng quy hoạch Khu, cụm công nghiệp luôn bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật về quy hoạch xây dựng. Đến nay, toàn tỉnh có 8 KCN với diện tích quy hoạch trên 1.507ha. Tỉnh đang tiếp tục khảo sát, đánh giá, bổ sung thêm 8 KCN tại các huyện: Yên Thủy, Lạc Sơn, Lương Sơn, Đà Bắc, Tân Lạc và thành phố Hòa Bình. Từ đó, mở rộng diện tích KCN của tỉnh lên trên 3.904ha. Căn cứ nhu cầu thực tế phát triển CCN, tỉnh đã xây dựng phương án phát triển CCN trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-3030, tầm nhìn đến năm 2050. Như vậy, tỉnh Hòa Bình có 38 CCN với tổng diện tích 2.209ha. Trong đó, có 17 cụm công nghiệp đã có trong quy hoạch trước và 21 cụm công nghiệp bổ sung mới.

Nhằm tăng cường, thúc đẩy có hiệu quả công tác đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật, tạo quỹ đất sạch, nâng cao tỷ lệ lấp đầy diện tích các Khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, HĐND tỉnh đã ban hành và tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị quyết về chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh thành lập Ban chỉ đạo đầu tư phát triển hạ tầng các Khu, cụm công nghiệp tỉnh để kịp thời tháp gỡ khó khăn về công tác quy hoạch, thủ tục đầu tư, pháp lý, hỗ trợ công tác giải phóng mặt bằng. Với sự vào cuộc của các cấp, các ngành trong tỉnh, hiện nay, 2 KCN là Lương Sơn và Bờ trái Sông Đà đã hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật; 5 khu công nghiệp có chủ đầu tư hạ tầng (Lương Sơn, Bờ trái sông Đà, Yên Quang, Nhuận Trạch và Bình Phú); 3 KCN (Lương Sơn, Bờ trái sông Đà, Yên Quang) có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường; 1 KCN (Bờ trái sông Đà) có khu nhà ở công nhân, lao động. Tỉnh đã triển khai đầu tư một số công trình thiết yếu tại KCN Bình Phú, Yên Quang. Tỉnh đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch với tổng diện tích 537ha và đang triển khai quy trình, thủ tục tiếp tục giải phóng mặt bằng khoảng 48ha KCN Nhuận Trạch; 67ha KCN Bình Phú và 30ha KCN Yên Quang. Những chính sách ưu tiên đã từng bước hoàn thiện các hàng mục thi công của các CCN. Một số tại thành phố Hòa Bình, Lạc Thủy, Lạc Sơn đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, hạ tầng kỹ thuật, giao thông, khu xử lý nước thải tập.

Ngoài ra, tỉnh đã đẩy mạnh công tác xúc tiến, thu hút đầu tư vào Khu, cụm công nghiệp. Trong đó, UBND tỉnh đã triển khai có hiệu quả Quyết định 03/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Quy chế quản lý Nhà nước về hoạt động xúc tiến đầu tư; năm 2016, xây dựng, ban hành danh mục dự án thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh; hằng năm theo Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh Quốc gia. Đồng thời, chỉ đạo, hướng dẫn các sở, ban, ngành thực hiện chi tiết các nội dung của 10 chỉ số thành phần PCI. Sau 10 năm thực hiện, đến nay, các KCN đã thu hút được 110 dự án, trong đó có 26 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài và 84 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn đăng ký đầu tư là trên 362 triệu USD và 16.000 tỷ đồng. Năm 2023, doanh thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong các KCN đạt trên 23.900 tỷ đồng; giá trị xuất khẩu đạt trên 840 triệu USD; nộp ngân sách Nhà nước đạt 222tỷ đồng. KCN đã giải quyết việc làm mới cho 1.760 lao động, chiếm 10,25% số việc làm mới toàn tỉnh. CNN thu hút được 37 dự án thứ cấp trong cụm công nghiệp với tổng số vốn đăng ký khoảng trên 3.500 tỷ đồng. Lũy kế đến nay, tổng số dự án thứ cấp trong CNN là 40 dự án với số vốn đăng ký khoảng gần 3.400 tỷ đồng; tỷ lệ lấp đầy bình quân các cụm công nghiệp đã thu hút dự án thứ cấp đạt 41,2%. Năm 2023 giá trị sản xuất công nghiệp trong các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 1.300 tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng 2.000 lao động.

Bên cạnh các nhóm giải pháp phát triển K,CCN, tỉnh quan tâm và gắn chặt chẽ với công tác bảo vệ môi trường. Các dự án đầu tư vào Khu, cụm công nghiệp phải đảm bảo vấn đề về môi trường trong quá trình đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Đồng thời, thường xuyên tiến hành phân tích, giám sát, quan trắc môi trường các dự án nhằm xử lý kịp thời, khắc phục sự cố môi trường trong khu, cụm công nghiệp. Đã có 2 KCN hoàn thành trạm xử lý nước thải tập trung là KCN Bờ trái sông Đà, Yên Quang và 2 trạm xử lý nước thải tại Cụm công nghiệp là Phú Thành II, Tiên Tiến. Tỉnh đang tiếp tục triển khai đầu tư trạm xử lý nước thải tập trung tại Khu công nghiệp Nhuận Trạch, Bình Phú và một số cụm công nghiệp. Thực hiện kêu gọi đầu tư và đã quyết định chủ trương 2 dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn, rác thải tại thành phố Hòa Bình và Lạc Thủy với tổng vốn đầu tư 197 tỷ đồng để xử lý chung cho các K,CNN và rác thải trong khu vực. Trong đó nhà máy tại huyện Lạc Thủy đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh từ năm 2020.

Công tác phát triển nguồn nhân lực luôn được quan tâm, chú trọng. UBND tỉnh đã phê duyệt Chương trình phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2018-2020 và các chính sách ưu đãi tuyển dụng, sử dụng lao động tại chỗ và hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động làm việc trong các doanh nghiệp trong các K,CCN. Kết quả đến nay, đã thực hiện hỗ trợ cho công tác đào tạo nghề được 1,31 tỷ đồng, nhằm khuyến khích các doanh nghiệp trong các KCN của tỉnh có chiến lược thu hút, ưu tiên tuyển dụng, sử dụng lao động tại chỗ. Qua đó đã góp phần thực hiện mục tiêu đẩy mạnh công tác xã hội hóa đào tạo nghề, từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo việc làm ổn định, bền vững cho người lao động làm việc trong các khu công nghiệp tỉnh.

Bên cạnh đó, tỉnh tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện tốt kế hoạch đảm bảo an ninh, an toàn tại các Khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Hướng dẫn khai báo tạm trú cho người nước ngoài qua mạng, định kỳ hoặc đột xuất phối hợp kiểm tra công tác sử dụng, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho người lao động nước ngoài làm việc, sinh sống tại địa phương. Hướng dẫn xây dựng và thực tập phương án phòng cháy chữa cháy tại các doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp. Chủ doanh nghiệp tích cực phối hợp trong thực hiện tốt chế độ chính sách với người lao động không để các đối tượng phản động lợi dụng kích động biểu tình, đình công lãn công; đẩy mạnh công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất hàng giả, trốn thuế, vi phạm pháp luật về môi trường.

Những kết quả trên đã khẳng định quản điểm, mục tiêu của Nghị quyết 09/NQ-TU là hoàn toàn đúng đắn. Các Khu, cụm công nghiệp đã phát huy vai trò, tầm quan trọng đối với sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. Thời gian tới, tỉnh tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khơi thông nguồn lực, tăng cường thu hút đầu tư phát triển; đẩy mạnh cải cách hành chính; thường xuyên lắng nghe, đối thoại, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh./.