Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, theo thống kê công bố hiện trạng rừng toàn quốc năm 2016, tổng diện tích có rừng trên 14,3 triệu ha, tăng trên 300 nghìn ha so với năm 2015. Độ che phủ rừng đạt 41%, tăng 0,35% so với năm 2015. Giá trị lâm nghiệp tăng bình quân 6,75%/năm trong giai đoạn 201-2016 so với 5,03%/năm trong giai đoạn 2010-2012. Sản lượng gỗ rừng trồng tăng hơn 3,3 lần, từ 5,6 triệu m3 năm 2011 lên 17,3 triệu m3 năm 2016. Dịch vụ môi trường rừng trở thành nguồn tài chính quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả bảo vệ và phát triển rừng, tăng thu nhập cho chủ rừng, giảm áp lực chi ngân sách, hàng năm thu từ 1.200-1.300 tỷ đồng, chi trả cho trên 5,4 triệu ha rừng, năm 2017 ước thu khoảng 1.650 tỷ đồng. Các vụ vi pham pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng đã giảm. Trong 9 tháng năm 2017, cả nước phát hiện trên 13.000 vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, giảm 21% số vụ, giảm 71% diện tích rừng bị thiệt hại so với cùng kỳ 2016.
Đánh giá tổng quát, diện tích rừng cả nước tiếp tục tăng lên, chủ trương xã hội hóa nghề rừng đã góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện sinh kế cho người làm nghề rừng. Tuy nhiên, tình hình vi phạm đối với rừng tự nhiên còn diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương, nhất là khu vực Tây Nguyên và một số địa phương khu vực miền trung. Một số vụ phá rừng nghiêm trọng nhưng chậm bị phát hiện và xử lý ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Nghệ An, Bắc Kạn, Điện Biên…xử lý vi phạm thiếu kiên quyết, nhất quán; thậm chí có biểu hiện né tránh trách nhiệm, làm ngơ, tiếp tay cho người phá rừng, gây thiệt hại lớn đối với tài nguyên rừng, kỷ cương pháp luật không được thực hiện nghiêm túc, gây bức xúc trong xã hội.
Phát biểu tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các địa phương đã báo cáo làm rõ hơn về thực trạng quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; đồng thời đề nghị cần quyết liệt và nghiêm khắc hơn nữa trong xử phạt vi phạm pháp luật về rừng, gắn trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức khi để xảy ra vi phạm về rừng. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an hỗ trợ các tỉnh điều tra, xử lý vi phạm về bảo vệ và phát triển rừng hiện nay ở các địa bàn phức tạp, nhạy cảm.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá thời gian qua công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đã có những chuyển biến rõ nét với sự tham gia tích cực của toàn xã hội. Chủ trương xã hội hóa nghề rừng đã dần được hiện thực hóa, nâng cao thu nhập, cải thiện sinh kế cho người làm nghề rừng. Hiện nay, đối với một số địa phương, rừng đã trở thành thế mạnh.
Thủ tướng cũng nêu một số tồn tại như diện tích rừng khu vực Tây Nguyên tiếp tục giảm. Tình trạng phá rừng trái pháp luật chậm được ngăn chặn tại một số địa phương. Còn một số địa phương vẫn cho chuyển mục đích sử dụng rừng với diện tích lớn nhưng không tuân thủ quy định của pháp luật.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh 3 chủ trương lớn cần thực hiện nghiêm trên toàn quốc. Thứ nhất, cần tiếp tục thực hiện nghiêm việc đóng cửa rừng, không khai thác gỗ rừng tự nhiên. Các bộ, ngành, các địa phương phải quán triệt, phổ biến, giải thích để các tổ chức, cá nhân được giao rừng tự nhiên hiểu rõ chủ trương dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên, tạo hành động nhất quán các cấp, các ngành. Thứ hai, cần kiểm soát chặt chẽ các dự án chuyển mục đích sử dụng rừng theo đúng tinh thần Chỉ thị số 13-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Nghị quyết số 71/NQ-CP của Chính phủ. Tạm dừng chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên nghèo sang trồng cây công nghiệp, cây nông nghiệp, xây dựng thủy điện nhỏ, kể cả các dự án đã được phê duyệt nhưng chưa thực hiện. Thứ ba, không cải tạo rừng nghèo, nghèo kiệt khi chưa có đánh giá, khảo nghiệm khoa học. Không chuyển mục đích sử dụng rừng ven biển. Không chuyển rừng đặc dụng sang rừng phòng hộ, rừng sản xuất.
Đối với các địa phương, Thủ tướng yêu cầu cần làm nghiêm công tác thanh tra, kiểm tra, rà soát các tụ điểm phá rừng. Điều tra, xử lý nghiêm các vụ vi phạm theo quy định của pháp luật. Công khai kết quả xử lý để toàn xã hội tham gia, giám sát. Kiểm điểm, xử lý nghiêm chủ rừng, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng và người đứng đầu thiếu trách nhiệm, không phát hiện ngăn chặn kịp thời để tổ chức ngăn chặn hành vi phá rừng. Kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân để xảy ra tình trạng phá rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng không đúng quy định, nhất là đối với một số địa phương đã có kết luận thanh tra, kiểm tra trong thời gian qua. Các địa phương tiếp tục giải quyết tình trạng di dân tự do, không để người dân phá rừng lấy đất sản xuất. Triển khai có hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, tăng thu nhập cho người làm nghề rừng, giảm áp lực khai thác rừng tự nhiên. Từng bước khôi phục, phát triển diện tích, chất lượng rừng, nhất là phòng hộ đầu nguồn, ven biển.
Thủ tướng đề nghị tăng cường công tác thông tin truyền thông, tuyên truyền về gương điển hình trong quản lý, bảo vệ rừng, phản ánh trung thực, tạo nhận thức và hành động thống nhất để đấu tranh, phòng ngừa đối với các hành vi vi phạm./.