DetailController

Nông, Lâm, Ngư Nghiệp

Tăng cường công tác phòng, chống và báo cáo dịch bệnh động vật trên cạn trên hệ thống VAHIS

01/11/2023 16:06
Ngày 31/10/2023, Sở Nông nghiệp và PTNT ban hành Công văn số 3071/SNN-CNTY gửi Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố yêu cầu về việc tăng cường công tác phòng, chống và báo cáo dịch bệnh động vật trên cạn trên hệ thống VAHIS.

Căn cứ Công văn số 7216/BNN-TY ngày 09/10/2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tăng cường công tác phòng, chống và báo cáo dịch bệnh động vật trên cạn trên hệ thống VAHIS;Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tại Công văn số 8794/VPUBND-KTN ngày 10/10/2023 của Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình về việc tăng cường công tác phòng, chống và báo cáo dịch bệnh động vật trên cạn trên hệ thống VAHIS.

Theo báo cáo của các địa phương, trong 10 tháng đầu năm 2023 toàn tỉnh đã xảy ra 08 ổ dịch bệnh Lở mồm long móng tại 03 huyện với tổng số trâu, bò mắc bệnh là 186 con, chết 01 con; 16 ổ dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) tại 05 huyện với tổng số lợn phải tiêu hủy là 733 con, trọng lượng tiêu hủy là 32.762 kg; 1.955 trường hợp người bị chó, mèo cắn phải đi tiêm phòng phơi nhiễm với bệnh Dại tại các Trung tâm Y tế (01 người tử vong do bệnh Dại).

Để chủ động kiểm soát kịp thời, có hiệu quả các loại dịch bệnh động vật, giảm thiểu tác động xấu đến phát triển chăn nuôi, sức khỏe cộng đồng và môi trường. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chỉ đạo các phòng, ban, cơ quan chuyên môn của địa phương tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch bệnh động vật, trong đó trú trọng những nội dung sau:

Tổ chức thống kê chính xác tổng đàn, số lượng vật nuôi và căn cứ tình hình dịch bệnh, nguy cơ dịch bệnh, khuyến cáo sử dụng vắc xin để tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm và vệ sinh khử trùng tiêu độc môi trường vụ Thu - Đông năm 2023 theo nội dung Công văn số 2382/SNN-CNTY ngày 05/9/2023 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đồng thời rà soát tiêm phòng nhắc lại, tiêm phòng bổ sung tại các cơ sở có tỷ lệ tiêm thấp chưa bảo đảm đạt tối thiểu 80% tổng đàn vật nuôi tại thời điểm tiêm phòng.

Chủ động tổ chức giám sát dịch bệnh trên vật nuôi để phát hiện sớm, kịp thời cảnh báo, xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện, khi ổ dịch ở phạm vi nhỏ lẻ; xử lý nghiêm các trường hợp không báo cáo dịch bệnh, bán chạy, giết mổ động vật mắc bệnh, động vật nghi mắc bệnh, vứt xác động vật ra môi trường dẫn đến lây lan dịch bệnh.

Tổ chức tốt công tác thông tin, tuyên truyền đối với chủ vật nuôi và cộng đồng về nguy cơ, tác hại của dịch bệnh nguy hiểm trên vật nuôi (như: CGC, DTLCP, LMLM, VDNC, Dại,...); hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện các biện pháp phòng bệnh như vệ sinh, tiêu độc khử trùng, chăn nuôi an toàn dịch bệnh, tiêm vắc xin và lợi ích của việc tiêm vắc xin đầy đủ để phòng các bệnh nguy hiểm cho đàn vật nuôi; đẩy mạnh công tác xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật.

Tăng cường công tác quản lý kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, kiểm soát giết mổ động vật; đặc biệt tổ chức ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép trên địa bàn.

Tổng hợp số liệu, đánh giá kết quả thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm năm 2023; những tồn tại, bất cập, khó khăn, nguyên nhân và đề xuất giải pháp khắc phục trong thời gian tới; hoàn thiện báo cáo và tổng hợp số liệu theo mẫu tại Phụ lục đính kèm.

Đề nghị Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện các nội dung nêu trên và báo cáo kết quả công tác phòng, chống dịch bệnh động vật về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn qua Chi cục Chăn nuôi và Thú y trước ngày 20/11/2023 để tổng hợp báo cáo theo quy định./.