Nhằm đảm bảo công tác kiểm soát và phòng, chống các dịch bệnh truyền nhiễm, không để xảy ra dịch chồng dịch trên địa bàn tỉnh; đồng thời, triển khai thực hiện đảm bảo tỷ lệ bao phủ vắc xin cho người dân, kịp tiến độ, thời gianquy định. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Giám đốc các Sở, Trưởng các Ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt các nội dung sau:
1. Về công tác phòng, chống sốt xuất huyết và các dịch bệnh truyền nhiễm khác
- Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố: Tuyên truyền, vận động người dân triển khai quyết liệt chiến dịch diệt muỗi, lăng quăng (bọ gậy) trên địa bàn. Thành lập các tổ phòng, chống dịch cộng đồng để tuyên truyền, giám sát, hướng dẫn việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế; chủ động dự phòng, bố trí đủ phương tiện, vật tư, kinh phí cho công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là sốt xuất huyết; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân không thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định của pháp luật;Giám sát chặt chẽ tình hình, phát hiện sớm, cấp cứu điều trị kịp thời người bệnh, hạn chế thấp nhất trường hợp tử vong, xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo quyết liệt công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là dịch sốt xuất huyết và chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn.
- Sở Y tế: Chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra các địa phương về giám sát, phát hiện, xử lý ổ dịch; các biện pháp dự phòng, điều trị bệnh sốt xuất huyết và các bệnh dịch khác; hướng dẫn, đôn đốc các địa phương bảo đảm đủ phương tiện, vật tư, trang thiết bị, thuốc, dịch truyền phòng, chống dịch bệnh.
- Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Hòa Bình: Phối hợp với Sở Y tế tăng cường công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch để người dân chủ động, tích cực thực hiện phòng, chống dịch, đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị khi có dấu hiệu mắc bệnh.
- Sở Giáo dục và Đào tạo: Chỉ đạo các cơ sở giáo dục tham gia tích cực vào chiến dịch diệt muỗi, diệt lăng quăng tại trường học, cộng đồng, rửa tay bằng xà phòng và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm khác theo hướng dẫn của ngành Y tế; thực hiện tốt công tác y tế trường học theo quy định.
- Sở Tài chính: Bảo đảm đủ kinh phí sẵn sàng phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh, nhất là dịch sốt xuất huyết, bảo đảm đúng quy định, tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí.
- Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Tỉnh Đoàn Hòa Bình và các tổ chức thành viên phối hợp với các cấp chính quyền chủ động, tích cực vận động người dân tham gia các hoạt động diệt muỗi, diệt lăng quăng và các hoạt động phòng, chống dịch.
2. Về tăng cường công tác tiêm vắc xin phòng COVID-19
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các huyện, thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh về kết quả tiêm vắc xin trên địa bàn; đồng thời, khẩn trương chỉ đạo thực hiện nghiêm các nhiệm vụ sau đây:
- Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tiêm vắc xin phòng COVID-19. Triển khai quyết liệt các giải pháp đẩy mạnh công tác tiêm chủng để đảm bảo không bỏ sót đối tượng cần tiêm chủng, tăng tỷ lệ bao phủ vắc xin cho người dân. Yêu cầu các địa phương căn cứ vào mục tiêu tại các Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành về tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho các đối tượng để tổ chức triển khai, giám sát, đôn đốc các địa phương trên địa bàn thực hiện, đảm bảo tối thiểu phải đạt mục tiêu đề ra; yêu cầu giao chỉ tiêu và tiến độ thực hiện đến tận cấp xã. Yêu cầu các địa phương đưa kết quả triển khai tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 vào làm căn cứ đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ trong năm 2022.
- Tăng tốc độ tiêm chủng cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi đảm bảo hoàn thành trong tháng 8 năm 2022; hoàn thành sớm nhất việc tiêm mũi 3, mũi 4 cho người dân từ 18 tuổi trở lên và đẩy nhanh tiêm mũi 3 cho người từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi theo hướng dẫn của Bộ Y tế; chú trọng hoàn thành sớm việc tiêm vắc xin cho các lực lượng y tế, công an, quân đội, giáo viên, người làm việc trong lĩnh vực giao thông vận tải, người cung cấp dịch vụ thiết yếu, người làm việc tại các cơ sở dịch vụ du lịch, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, người làm việc trong các doanh nghiệp, khu công nghiệp…
- Đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông về tiêm vắc xin, lợi ích, hiệu quả của vắc xin.Cảnh báo về các biến thể mới của Omicron và hướng dẫn người dân chăm sóc sức khỏe sau nhiễm COVID-19; tập trung truyền thông về tiêm chủng cho các đối tượng nguy cơ cao, bệnh lý nền (bao gồm cả trẻ em), những người muốn lựa chọn vắc xin, người sống ở khu vực có tỷ lệ bao phủ vắc xin thấp; tổ chức các đội tuyên truyền, vận động tiêm vắc xin đến từng địa bàn dân cư. Công khai các điểm tiêm chủng trên địa bàn (địa chỉ, người phụ trách, thông tin liên hệ) và thông tin đến người dân để người dân biết và đi tiêm chủng kịp thời.
- Tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc triển khai tiêm chủng trên địa bàn, không để tình trạng vắc xin quá hạn. Lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương chịu trách nhiệm trước lãnh đạo cấp trên về kết quả tiêm vắc xin trên địa bàn.
- Sở Y tế: Tiếp tục bảo đảm thực hiện tốt việc đôn đốc, hỗ trợ, hướng dẫn và kiểm tra hoạt động tổ chức tiêm vắc xin phòng COVID-19 tại các địa phương.Tăng cường truyền thông về tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, tập trung vào tiêm vắc xin cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, các đối tượng có nguy cơ cao. Tiếp tục phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí để cung cấp thông tin đầy đủ, khách quan, khoa học, bằng nhiều hình thức đa dạng, dễ tiếp thu về lợi ích, hiệu quả của vắc xin, nhất là trong việc ngăn ngừa chuyển nặng, tử vong khi mắc COVID-19, để người dân nâng cao nhận thức và chủ động tích cực tiêm vắc xin phòng COVID-19.
- Sở Giáo dục và Đào tạo: Tiếp tục rà soát kỹ lưỡng, lập danh sách học sinh thuộc độ tuổi tiêm chủng từ 5 đến dưới 18 tuổi chưa tiêm chủng hoặc tiêm chủng chưa đầy đủ; chỉ đạo các cơ sở giáo dục thông báo cho phụ huynh, học sinh và phối hợp với cơ sở y tế tại địa phương để tổ chức các điểm tiêm chủng điểm phù hợp khác, bảo đảm an toàn.Tăng cường công tác tuyên truyền, mời các cán bộ y tế để tư vấn cho cha mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp của học sinh về tác dụng, lợi ích của việc tiêm chủng, những phản ứng có thể gặp sau tiêm chủng và trách nhiệm bảo đảm quyền được tiêm chủng của trẻ em để tạo sự đồng thuận, vận động học sinh và phụ huynh, người chăm sóc trẻ đưa con em đi tiêm chủng phòng dịch COVID- 19 đầy đủ, kịp thời; đặc biệt quan tâm đến các em mắc bệnh lý nền, béo phì...để phối hợp với ngành Y tế thực hiện phương án tiêm chủng bảo đảm an toàn cho trẻ em, học sinh.
- Các Sở, ngành, cơ quan liên quan, nhất là các đơn vị: Công an, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, các Sở: Giáo dục và Đào tạo, Công Thương, Lao động - Thương binh và Xã hội, Kế hoạch và Đầu tư, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Giao thông vận tải, Ban Quản lý các khu công nghiệp thực hiện ngay việc quán triệt và chỉ đạo đẩy nhanh hơn nữa việc tiêm vắc xin cho cán bộ, chiến sĩ, quân nhân, công chức, viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên trong toàn ngành đảm bảo hoàn thành tiêm hết các đối tượng theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
- Sở Thông tin và Truyền thông: Chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáoTỉnh ủy chỉ đạo các cơ quan báo chí, truyền thông và hệ thống truyền thông cơ sở chủ động phối hợp với ngành y tế tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về hiệu quả và lợi ích của việc tiêm vắc xin, khuyến khích và hướng dẫn người dân tích cực tham gia tiêm vắc xin để bảo vệ bản thân và cộng đồng; chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông di động tổ chức nhắn tin tuyên truyền với tần suất và thời lượng phù hợp, nội dung tin nhắn theo Bộ Y tế ban hành; đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, thông tin xấu độc, xuyên tạc chính sách của Đảng, Nhà nước ta về tiêm vắc xin phòng COVID-19 và công tác phòng chống dịch COVID-19.
- Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Hòa Bình tiếp tục tổ chức các chuyên mục về tình hình dịch bệnh và vắc xin vào chuyên trang/khung giờ phù hợp để người dân được tiếp cận thông tin về lợi ích, hiệu quả của việc tiêm vắc xin phòng COVID-19.
- Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, các cơ quan đoàn thể tỉnh tích cực phối hợp với các cơ quan Nhà nước có liên quan, chủ động, tích cực tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và người dân tham gia tiêm vắc xin đầy đủ, đúng lịch, nhất là việc tiêm mũi 3, mũi 4 và tiêm cho trẻ em vì lợi ích của bản thân, cộng đồng và tránh nguy cơ bùng phát dịch trở lại. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh chỉ đạo tổ chức giám sát công tác tiêm vắc xin phòng COVID-19.Đề nghị Tỉnh đoàn Hòa Bình tiếp tục chỉ đạo Chi Đoàn các cấp đẩy mạnh tuyên truyền, phát huy vai trò lực lượng đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên tích cực tiêm vắc xin phòng COVID-19; tổ chức các đội thanh niên tình nguyện tham gia hỗ trợ các lực lượng chức năng trong việc tiêm vắc xin cho người dân.
- Hội Chữ thập đỏ tỉnh chỉ đạo hệ thống Hội Chữ thập đỏ các cấp tiếp tục tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, tình nguyện viên tham gia hoạt động tiêm vắc xin phòng COVID-19 theo hướng dẫn của ngành y tế và vận động người dân tiêm vắc xin; hỗ trợ hậu cần, truyền thông tại các điểm tiêm vắc xin./.