Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong năm 2022 bệnh khảm lá sắn tiếp tục lây lan gây hại tại huyện Lạc Sơn và huyện Yên Thủy; diện tích nhiễm là 189,4 ha, trong đó diện tích nhiễm nặng (giảm 70% năng suất) là 100,9ha. Mặc dù Ủy ban nhân dân tỉnh đã có những văn bản chỉ đạo, cơ quan chuyên môn đã rất tích cực vào cuộc nhưng việc triển khai tổ chức thực hiện tại cơ sở chưa đồng bộ, kiên quyết. Nguồn bệnh hiện vẫn tồn tại trên đồng ruộng và có nguy cơ lây lan cho toàn bộ diện tích sắn của cả tỉnh trong năm tới nếu không có sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các cấp chính quyền, cơ quan chuyên môn, người dân và doanh nghiệp.
Để chủ động phòng chống bệnh khảm lá hại sắn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho sản xuất sắn trong thời gian tới, ngày 9/01/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-UBND về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh khảm lá virus hại sắn.
Theo đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố thực hiện quyết liệt các biện pháp ngăn chặn bệnh khảm lá sắn. Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền đến cơ sở, người dân và doanh nghiệp trong việc áp dụng các biện pháp phòng, chống bệnh khảm lá sắn, theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát không để tổ chức, cá nhân vận chuyển giống sắn từ các vùng đã có bệnh đến nơi khác. Không sử dụng nguồn hom giống từ những vườn đã có nguồn bệnh khảm lá để làm giống cho vụ sau. Chỉ đạo cơ quan chuyên môn thực hiện rà soát kỹ các diện tích trồng sắn trên địa bàn toàn huyện để phát hiện sớm và tổ chức phòng trừ bệnh khảm lá sắn kịp thời, hiệu quả. Chủ động cân đối ngân sách địa phương (nguồn dự phòng, sự nghiệp kinh tế...) và các nguồn hợp pháp khác để hỗ trợ giúp nông dân phòng trừ, tiêu hủy diện tích sắn nhiễm bệnh; triển khai các mô hình canh tác sắn bền vững để nhân rộng ra sản xuất. Đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại những khu vực đã nhiễm bệnh khảm lá sắn. Trường hợp bất khả kháng vẫn phải tiếp tục trồng sắn thì cần tuân thủ triệt để việc xử lý tàn dư cây bệnh vụ trước (kể cả sắn thân, gốc sắn bờ rào), sử dụng nguồn giống sạch bệnh và thường xuyên phát hiện, phòng trừ bọ phấn trắng ngay từ đầu vụ. Tại mỗi xã có diện tích trồng sắn, cần khoanh vùng, chỉ ra được những khu vực chưa bị bệnh khảm lá sắn để hướng dẫn doanh nghiệp, người trồng sắn sử dụng làm hom giống. Trường hợp trên địa bàn xã không còn nguồn cây giống sạch bệnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, xác minh nguồn giống sạch bệnh từ các xã khác để giới thiệu cho các xã có nhu cầu. Trường hợp trên địa bàn huyện không đủ nguồn cung cây giống sắn sạch bệnh thì Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm rà soát, xác minh nguồn giống sạch bệnh từ huyện khác để giới thiệu cho các huyện có nhu cầu.
Sở Khoa học và Công nghệ triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ trong phòng, chống bệnh khảm lá virus hại sắn. Huy động sự tham gia của các cơ quan nghiên cứu, nhà khoa học tham gia công tác phòng, chống bệnh khảm lá sắn. Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Hòa Bình, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về tác hại bệnh khảm lá virus hại sắn; biện pháp phòng, chống bệnh khảm lá virus hại sắn nhằm hạn chế lây lan trên diện rộng. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị xã hội: phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân các cấp tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nông dân, hội viên, đoàn viên thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống bệnh khảm lá sắn./.