Trong những năm qua, các cấp, ngành và chính quyền địa phương trong tỉnh đã quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ, phát triển và phòng cháy, chữa cháy rừng. Vì vậy, tình hình vi phạm các quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng năm sau ít hơn năm trước, công tác bảo vệ, phát triển rừng từng bước ổn định.
Theo thống kê, hiện nay toàn tỉnh có trên 263,4 nghìn ha diện tích có rừng, trong đó: 148,3 ha diện tích rừng tự nhiên, còn lại là diện tích rừng trồng. Đặc biệt, toàn tỉnh có hơn 100 nghìn ha diện tích rừng tre, nứa, gỗ; rừng trên núi đá, rừng phục hồi, rừng trồng chưa khép tán, đây là những loại rừng có nguy cơ cháy rất cao. Thời gian qua, xác định công tác tuyên truyền là một biện pháp quan trọng trong công tác quản lý bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức tuyên truyền, phổ biến, quán triệt cho cán bộ, công chức, viên chức, nhân dân và các chủ rừng các văn bản chỉ đạo, điều hành về công tác bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng, tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng, treo băng rôn, khẩu hiệu, bảng biển, lồng ghép với các buổi sinh hoạt thôn, xóm; từ năm 2014 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức được hơn 800 buổi tuyên truyền, với trên 700 nghìn lượt người tham gia. Hàng năm, Ban Chỉ đạo về chương trình, mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững đã tăng cường duy tu, tu bổ các hồ đập chứa nước, bảng biển báo cháy, đường băng cản lửa; vận hành, bảo dưỡng máy móc, phương tiện và dụng cụ chữa cháy đảm bảo các trang thiết bị luôn trong tình trạng tốt nhất để sẵn sàng tham gia ứng cứu kịp thời khi có cháy rừng; toàn tỉnh có 206 xã có rừng đã xây dựng được bản quy ước bảo vệ rừng; các địa phương đã xây dựng phương án bảo vệ rừng – phòng cháy chữa cháy rừng, quy chế phối hợp 3 lực lượng; 11 phương án cấp huyện, thành phố; 05 phương án ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng; 01 phương án cấp tỉnh; 1.830 xóm có tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, với 12.028 người tham gia; 93,9 km đường băng cản lửa. Cùng với đó, Ban Chỉ đạo chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững đã thường xuyên kiểm tra, nắm chắc tình hình tại cơ sở; phối hợp với lực lượng quân sự tổ chức diễn tập phòng thủ trị an kết hợp diễn tập phòng cháy, chữa cháy rừng theo nguyên tắc bốn tại chỗ “Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ”.
Bên cạnh đó, căn cứ vào diện tích các loại rừng, đất lâm nghiệp có khả năng và dễ cháy cao, cùng với các yếu tố lượng mưa, thời gian khô hạn, tần xuất xảy ra cháy rừng để phân theo các nhóm có nguy cơ cháy rừng. Đối với diện tích nương rẫy hiện có, các địa phương đã tăng cường quản lý các hoạt động canh tác nương rẫy, hướng dẫn và quản lý chặt chẽ việc đốt nương làm rẫy; ký cam kết và vận động người dân trước khi dốt phải phát dọn đường băng cản lửa, chấp hành quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng, đồng thời kiểm soát chặt chẽ những hành vi dùng lửa tại các khu vực trọng điểm, có nguy cơ cháy rừng cao.
Tuy nhiên, trong 4 năm gần đây, toàn tỉnh đã xảy ra 23 vụ cháy rừng, làm thiệt hại 32,68 ha; nguyên nhân chủ yếu do người dân chưa chấp hành đúng quy trình xử lý thực bì để sản xuất nông, lâm nghiệp; trang thiết bị, phương tiện phục vục ho công tác phòng cháy, chữa cháy rừng còn thấp, chủ yếu là dụng cụ thô sơ, vì vậy khi có cháy rừng xảy ra, mặc dù huy động rất nhiều lực lượng tham gia, song hiệu quả chữa cháy rừng còn thấp.
Đồng chí Nguyễn Xuân Trường, Chi cục Phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Nguyên nhân chính xảy ra cháy rừng là trong quá trình phát dọn thượng bì, sinh ra vật liệu cháy, do người dân chưa có kỹ thuật chăm sóc, đốt thượng bì chưa đúng. Nhằm nâng cao chất lượng phòng cháy, chữa cháy rừng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho người dân về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; vận chuyển vật liệu cháy ra khỏi rừng, chọn thời điểm ít gió để đốt và khi đốt thực bì phải chọn ngược hướng gió để hạn chế tốc độ cháy; tổ đội quần chúng kết hợp với chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát khi các hộ dân đốt thực bì./.