DetailController

Giáo dục

Tăng cường công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập

28/05/2024 16:30
Sau 5 năm thực hiện Kết luận số 49-KL/TW ngày 10/5/2019 của Ban Bí thư khóa XII về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11- CT/TW của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập (XHHT)”; ngành Giáo dục và Đào tạo đã quán triệt, triển khai đầy đủ các văn bản của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về thực hiện công tác xây dựng XHHT. Ban chỉ đạo xây dựng XHHT và phổ cập giáo dục các cấp được kiện toàn, đi vào hoạt động nền nếp và có hiệu quả. Qua đó đã tạo cơ hội và điều kiện thuận lợi cho hàng trăm ngàn lượt người ở mọi lứa tuổi, mọi trình độ được học tập thường xuyên, học liên tục ở mọi lúc, mọi nơi, mọi cấp, mọi trình độ... góp phần quan trọng trong xóa đói giảm nghèo, nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ, xây dựng nông thôn mới, là cơ sở quan trọng để phát triển kinh tế, xã hội ở các địa phương trong toàn tỉnh.
Xây dựng XHHT tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người dân học tập suốt đời.

Công tác tuyên truyền, phổ biến quán triệt Kết luận số 49 KL/TW và các văn bản khác liên quan đã được Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đẩy mạnh thực hiện. Trong 5 năm, Sở đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về học tập suốt đời và xây dựng XHHT tới các đồng chí lãnh đạo, cán bộ, nhân viên, người dân và tới cán bộ, giáo viên toàn ngành GD&ĐT thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, website ngành. hội thảo, hội nghị tập huấn, các lớp học chuyên đề; phối hợp với văn hóa xã, phường, thị trấn sử dụng hệ thống loa phát thanh, bảng tin để tuyên truyền, phổ biến … về mục đích, ý nghĩa, lợi ích của học tập suốt đời và xây dựng XHHT từ đó có sự tích cực tham gia của các cấp lãnh đạo và sự ủng hộ, đồng thuận của người dân. Các Trung tâm học tập công đồng tăng cường phối hợp với bộ phận văn hóa cấp xã sử dụng hệ thống loa phát thanh, bảng tin để tuyên truyền, phổ biến về mục đích, ý nghĩa, lợi ích của học tập suốt đời - XHHT học tập.

Cùng với Hội Khuyến học tỉnh xây dựng kế hoạch thành lập Ban Khuyến học. Hiện nay Ban Khuyến học Sở có 9 chi hội với 50 hội viên. Trong năm qua, Hội Khuyến học cùng cấp tuyên truyền, phổ biến xây dựng mô hình “Đơn vị học tập”; đồng thời tiếp tục triển khai thực hiện và nâng cao chất lượng các mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Công dân học tập”. Đến nay, 100% cán bộ công chức cơ quan đã đăng ký thực hiện tiêu chí “Công dân học tập” và chủ động tham gia các mô hình học tập như “Gia đình học tập”, “dòng họ học tập”, “Đơn vị học tập cấp thôn”, “Đơn vị học tập cấp xã”, “Đơn vị học tập cấp huyện” góp phần tích cực trong việc thực hiện công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT ở cơ quan và địa phương.

Công tác xây dựng “Cộng đồng học tập” cấp xã có sự chỉ đạo tích cực của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương; sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể, đơn vị, trường học. Các xã, phường, thị trấn đã tự chấm điểm, xếp loại và lập hồ sơ trình UBND cấp huyện về kiểm tra công nhận theo hướng dẫn. Các huyện, thành phố đã thành lập đoàn kiểm tra và ban hành quyết định công nhận kết quả xếp loại “Cộng đồng học tập” cấp xã. Kết quả toàn tỉnh có 151 xã, phường, thị trấn tổ chức đánh giá, xếp loại, trong đó xếp loại Tốt 109 đơn vị đạt 72.2 %, xếp loại Khá 35 đơn vị đạt 23.2%, xếp loại Trung bình 7 đơn vị đạt 4.6%.

Các trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên được củng cố, đa dạng các loại hình đào tạo, huy động tối đa người dân tham gia học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ văn hóa. Đến nay, các Trung tâm đã thu hút được 17.258 học viên tham gia học chương trình Giáo dục thường xuyên cấp THPT, 10.536 học viên nghề ngắn hạn, 15.432 học viên tham gia hướng nghiệp, 2587 học viên tiếng dân tộc Thái, Mông, 20.548 học sinh, sinh viên và người lao động học kỹ năng sống; 1294 học viên học liên kết đào tạo đại học, cao đẳng.

Vai trò và hoạt động của các Trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) được đẩy manh. Các địa phương đã tổ chức các lớp học chuyên đề, hoạt động đáp ứng nhu cầu học tập của người dân... tạo cơ hội học tập cho các đối tượng học phổ cập được học tập; đồng thời góp phần củng cố kết quả phổ cập giáo dục, xóa mù chữ. Toàn tỉnh có 151/151 xã, phường, thị trấn có TTHTCĐ, các trung tâm đã tích cực thực hiện chương trình đáp ứng nhu cầu, cập nhật kiến thức kỹ năng, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân trong cộng đồng, là cơ sở thiết yếu để xây dựng XHHT. Trong 5 năm qua các trung tâm huy động 2.060.589 lượt học viên tham gia.

Công tác xóa mù chữ cho người lớn, thực hiện chế độ đào tạo, bồi dưỡng bắt buộc đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động được thực hiện thường xuyên, liên tục. Các địa phương chủ động tổ chức điều tra đến hộ gia đình, thu thập thông tin chính xác về số người mù chữ, tái mù chữ trên địa bàn; xây dựng chương trình, kế hoạch công tác chống mù chữ. Công tác điều tra, lập hồ sơ phổ cập giáo dục, xóa mù chữ tiếp tục được Ban chỉ đạo các cấp quan tâm chỉ đạo, thực hiện, toàn tỉnh huy động các cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia điều tra tới 100% nhân khẩu, xây dựng bộ hồ sơ và đề nghị kiểm tra công nhận đạt chuẩn vào tháng 11 hằng năm. Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục tích cực huy động người dân trong độ tuổi còn mù chữ, tái mù chữ ra học các lớp xóa mù chữ. Trong 5 năm qua, toàn tỉnh đã huy động được 5 lớp xóa mù chữ với 220 học viên tham gia. Đến nay, độ tuổi 15 đến 60 biết chữ mức độ 1: 592.828/593.596 người, tỉ lệ 99.87% (vượt 9,87% so với Nghị định 20); còn 768 người mù chữ chiếm 0,13%. Độ tuổi 15 đến 60 biết chữ mức độ 2: 588.380/593.594 người, tỉ lệ 99.12% (vượt 9.12% so với yêu cầu Nghị định 20) còn 5214 người mù chữ chiếm 0,88%.

Như vậy, trong giai đoạn 2021-2025, các mục tiêu xây dựng xã hội học tập của tỉnh đã hoàn thành đạt và vượt so mục tiêu đề ra. 10/10 huyện, thành phố đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2, đạt tỷ lệ 100%; tỉnh Hòa Bình đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2; tỉnh Hòa Bình đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3. Có 9/10 huyện, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3, 1 huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 1, chiếm 10%. Về năng lực cơ bản và trình độ của người dân, 43% số người trong độ tuổi lao động được trang bị năng lực thông tin; 44% số người trong độ tuổi lao động được trang bị kỹ năng sống; khoảng 20% dân số từ 15 tuổi trở lên được đào tạo trình độ chuyên môn kỹ thuật, trong đó 9,5% dân số có trình độ đại học trở lên. 30% dân số công dân đạt danh hiệu công dân học tập. Các địa phương đang từng bước triển khai mô hình huyện, thành phố được công nhận danh hiệu huyện/thành phố học tập.

Sở GD&ĐT đã chỉ đạo tăng cường hội nhập quốc tế, chủ động mở rộng hợp tác với các cơ sở giáo dục có chất lượng cao của nước ngoài về trao đổi giáo viên và học sinh, chia sẻ kinh nghiệm quản lý, phương pháp giảng dạy, hợp tác nghiên cứu khoa học, khuyến khích hợp tác với các cơ sở giáo dục từ các quốc gia phát triển; khuyến khích kiểm định chất lượng của các tổ chức kiểm định quốc tế có uy tín được công nhận hoạt động ở Việt Nam. Chỉ đạo trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ tiếp tục phát triển công tác hợp tác quốc tế. Nhà trường thường xuyên giao lưu, giữ vững mối quan hệ với tổ chức Fulbright, tổ chức Vì Hòa Bình, phân viện Puskin - Cục Hợp tác quốc tế, Bộ GD&ĐT. Hiện nay, Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ đang tiếp nhận 1 giáo viên tình nguyện người Nga tham gia giảng dạy cho khối chuyên Nga. Trường Cao đẳng Sư phạm tiếp tục xin cấp học bổng của Bộ Khoa học và Nghệ thuật Bang HESSEN, CHLB Đức cho 3 sinh viên người dân tộc thiểu số, có hoàn cảnh khó khăn đạt kết quả cao trong học tập và rèn luyện với số tiền khoảng 18.000.000… Bên cạnh đó, Sở tăng cường quản lý đối với các cơ sở giáo dục có giảng dạy chương trình nước ngoài, các trung tâm tư vấn du học. Hiện trên địa bàn tỉnh có 25 Trung tâm được cấp phép hoạt động, bao gồm: 09 Trung tâm giáo dục kỹ năng sống và giáo dục ngoài giờ chính khóa; 14 Trung tâm Ngoại ngữ; 01 Trung tâm Ngoại ngữ - Tin học./.