Để tăng cường chỉ đạo thu hoạch vụ Mùa, vụ Hè Thu và đảm bảo thực hiện thành công kế hoạch sản xuất vụ Đông năm 2023 trước diễn biến phức tạp của thời tiết; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố triển khai thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Đối với sản xuất vụ Mùa, vụ Hè Thu Khẩn trương thu hoạch diện tích lúa Mùa đã đủ độ chín theo phương châm "xanh nhà hơn già đồng". Huy động tối đa các máy gặt đập liên hợp trên địa bàn, cải tiến máy cắt cỏ cầm tay thành máy cắt lúa và sử dụng lực lượng lao động tại chỗ để thu hoạch nhanh gọn, giải phóng đất phục vụ sản xuất cây màu vụ Đông.
Thúc đẩy sản xuất vụ Đông 2023: Bám sát các chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã được kết luận tại Hội nghị "Thúc đẩy sản xuất vụ Đông và kết nối tiêu thụ nông sản năm 2023" ngày 18 tháng 8 năm 2023. Căn cứ vào điều kiện thực tế của địa phương về quỹ đất, thời vụ gieo trồng của từng loại cây, tập quán canh tác để xây dựng kế hoạch sản xuất vụ Đông hiệu quả; chú trọng mở rộng diện tích và đa dạng các loại cây trồng nhằm nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất. Với những diện tích đã thu hoạch xong, cần tranh thủ làm đất ngay, áp dụng các giải pháp kỹ thuật tiên tiến, cơ giới hóa để đẩy nhanh tiến độ làm đất, gieo trồng trong khung thời vụ tốt nhất. Tuân thủ đúng khung thời vụ cho từng nhóm cây vụ Đông: Đối với nhóm cây ưa ấm (cây ngô, lạc, đậu tương) kết thúc thời vụ gieo trồng trước 05/10, với ngô sinh khối có thể gieo đến 20/10; với nhóm cây ưa lạnh gieo trồng sau 10/10, với cây khoai tây tập trung trồng từ 25/10 đến 15/11; đối với nhóm rau ăn lá cần bố trí thời vụ gieo trồng và cơ cấu giống hợp lý nhằm rải vụ thu hoạch và đảm bảo nguồn cung ổn định, hạn chế tình trạng dư thừa tụt giá.
Tăng cường thực hiện các giải pháp điều tiết nước hợp lý phục vụ sản xuất. Tiếp tục đầu tư, cải tạo hệ thống hệ thống thủy lợi nội đồng đảm bảo tưới tiêu chủ động, góp phần nâng cao hệ số sử dụng đất trồng lúa trồng cây màu vụ Đông.
Tùy điều kiện cụ thể của từng địa phương mà có chính sách khuyến khích phát triển sản xuất như: Hỗ trợ kinh phí tập huấn, xây dựng mô hình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng; hỗ trợ giống, thuốc bảo vệ thực vật; có chính sách hỗ trợ nông dân bình ổn giá vật tư đầu vào và xúc tiến thương mại, liên kết tiêu thụ nông sản cho nông dân.
Tăng cường quản lý tốt vật tư đầu vào (giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật....) phục vụ sản xuất; xử lý nghiêm, kịp thời các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp không đảm bảo chất lượng./.