DetailController

Nông, Lâm, Ngư Nghiệp

Tăng cường các giải pháp chăm sóc cây ăn quả có múi sau thu hoạch

05/01/2022 00:00
Trong niên vụ 2021- 2022 sản lượng quả có múi toàn tỉnh ước đạt 155 ngàn tấn. Đến nay, nhóm chín sớm chiếm khoảng 30% cơ bản đã thu hoạch xong; nhóm chính vụ chiếm 45%, đang vào thu hoạch; nhóm chín muộn khoảng 25%.
Các địa phương cần tăng cường các giải pháp giải pháp chăm sóc, phòng trừ sâu, bệnh đúng kỹ thuật nhằm duy trì sức khỏe, đảm bảo năng suất, chất lượng cho vườn cây

Sau mỗi vụ thu hoạch, cây ăn quả có múi thường bị tổn thương, suy kiệt do dồn chất dinh dưỡng nuôi quả, giữ quả. Ngoài ra, nguồn sâu bệnh hại tích lũy trên cây và trong các phế phụ phẩm sau thu hoạch là nguyên nhân chính dẫn đến vườn cây bị suy kiệt, già cỗi nhanh, ra quả cách năm, hiện tượng rụng hoa, rụng quả non do sâu, bệnh hại nếu không có những giải pháp chăm sóc, phòng trừ sâu, bệnh đúng kỹ thuật. Để duy trì sức khỏe cây có múi, đảm bảo năng suất, chất lượng vườn cây cho những vụ tiếp theo, ngày 15/12, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Công văn số 3465/SNN-TTBVTV  hướng dẫn các địa phương thực hiện các giải pháp chăm sóc cây ăn quả có múi sau thu hoạch.

Với diện tích thời kỳ kiến thiết cơ bản, tiến hành chăm sóc, bón lót sớm; bón cân đối giữa các loại phân theo quy trình kỹ thuật để cây sinh trưởng phát triển tốt. Công tác bảo vệ thực vật cần tuân thủ theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, không sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật không rõ nguồn gốc, xuất sứ, không có quyết định ban hành hay không nằm trong danh mục được phép sử dụng ở Việt Nam.

Đối với diện tích cây có múi thời kỳ kinh doanh, cụ thể với diện tích chưa thu hoạch tiếp tục duy trì các giải pháp chăm sóc, tưới nước đủ ẩm vườn cây, áp dụng các giải pháp phòng trừ sâu bệnh đúng kỹ thuật đảm bảo năng suất, chất lượng sản phẩm cây có múi. Chủ động thu hoạch khi các vườn đã đạt độ chín, giá cả hợp lý và thị trường có nhu cầu. Hạn chế việc giữ quả chờ giá lên hoặc sử dụng các chất kích thích sinh trưởng để giữ quả kéo dài thời gian thu hoạch, làm ảnh hưởng đến chất lượng quả và sức khỏe của cây. Với diện tích đã thu hoạch xong cần khẩn trương vệ sinh, thu gom tàn dư thực vật; cắt tỉa cành khô, cành sâu bệnh, cành già cỗi, cành vượt. Đối với những vườn đã khép tán, vườn trồng mật độ dầy cần chủ động cắt tỉa, hạ tán giúp thông thoáng vườn cây, tăng khả năng quang hợp, hạn chế sâu bệnh hại. Áp dụng giải pháp quét vôi vào gốc và các vết cắt để hạn chế sự xâm nhiễm của nấm bệnh, hạn chế nơi cư trú của sâu hại.

Đối với những vườn đã tích lũy nhiều nguồn vi sinh vật gây bệnh  cần tiến hành phun vệ sinh vườn cây bằng các loại thuốc phổ rộng; có thể kết hợp các loại phân bón qua lá để bổ sung chất chất dinh dưỡng giúp cây nhanh hồi phục, cân bằng dinh dưỡng giảm áp lực cho bộ rễ. Bón lót phục hồi sớm bằng các loại phân hữu cơ truyền thống hoặc phân hữu cơ đã qua chế biến cùng phân lân nhằm cung cấp nguồn dinh dưỡng cho cây, cải tạo độ phì của đất, giúp cây sớm phục hồi, tạo tiền đề giúp tăng năng suất vụ tiếp theo. Duy trì đủ ẩm cho vườn cây (50-60%) sau khi bón lót. Thời điểm này không nên tưới nước đẫm ngay khi mới bón phân. Bón đủ lượng vôi bột (400-500kg/ha) hay sử dụng phân bón có chức năng điều hòa PH đất. Chủ động phun bổ sung phân bón qua lá có chứa thành phần dinh dưỡng là các nguyên tố trung, vi lượng, các chất điều hòa sinh trưởng khi cây bước vào giai đoạn phân hóa mầm hoa, ra hoa và đậu quả non.

Chú ý phòng trừ các đối tượng sâu bệnh hại. Quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn nước phục vụ cho sản xuất cây ăn quả có múi, đặc biệt là nguồn nước ngầm. Đồng thời đảm bảo đủ nước tưới dưỡng cho cây khi cây ra hoa, lộc non và đậu quả. Tăng cường tuyên truyền, mở rộng diện tích ứng dụng tưới nước tiết kiệm trong sản xuất cây ăn quả có múi./.