Theo đó, mục tiêu cụ thể là tiêm phòng vắc xin Viêm da nổi cục đạt tỷ lệ 80% tổng đàn trâu, bò, bê, nghé (gọi chung là trâu, bò) tại thời điểm tiêm phòng. Thực hiện triệt để các giải pháp phòng, chống dịch hiệu quả; chủ động giám sát, phát hiện sớm và kiểm soát tốt dịch bệnh nhằm giảm số ổ dịch Viêm da nổi cục xảy ra tại các địa phương trong năm 2022, hằng năm giảm 20% số xã có dịch và số gia súc mắc bệnh Viêm da nổi cục so với năm liền kề trước đó. Phòng bệnh chủ động, có hiệu quả bằng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; vệ sinh, khử trùng, tiêu độc và tiêu diệt các véc tơ truyền bệnh; xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh. Tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, ngăn chặn không để mầm bệnh Viêm da nổi cục xâm nhiễm từ các địa phương khác vào địa bàn.
Sử dụng vắc xin Viêm da nổi cục để tiêm phòng cho đàn trâu, bò là giải pháp tốt nhất, hiệu quả nhất và chi phí thấp nhất trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Đối tượng tiêm vắc xin: Trâu, bò khỏe mạnh chưa được tiêm vắc xin hoặc đã tiêm vắc xin nhưng hết thời gian miễn dịch bảo hộ (theo hướng dẫn của nhà sản xuất vắc xin); không có biểu hiện triệu chứng điển hình của bệnh Viêm da nổi cục và các bệnh truyền nhiễm khác. Hằng năm, địa phương tổ chức tiêm vắc xin Viêm da nổi cục đồng loạt cho trâu, bò trên địa bàn, đảm bảo tỷ lệ tiêm đạt từ 80% tổng đàn trở lên tại thời điểm tiêm phòng. Khi có dịch bệnh xảy ra, tổ chức rà soát và tiêm phòng bổ sung vắc xin Viêm da nổi cục cho trâu, bò (chưa được tiêm phòng vắc xin hoặc đã được tiêm vắc xin Viêm da nổi cục nhưng hết thời gian miễn dịch bảo hộ) trong phạm vi bán kính tối thiểu 100 km, tính từ ổ dịch Viêm da nổi cục hoặc theo địa giới hành chính cấp huyện của địa phương có dịch bệnh Viêm da nổi cục và huyện liền kề xung quanh địa phương có dịch bệnh Viêm da nổi cục. Tổ chức 01 đợt tiêm phòng chính trước thời điểm dịch bệnh Viêm da nổi cục thường xảy ra tại địa phương, trước mùa phát triển của các véc tơ truyền bệnh Viêm da nổi cục (như: Ruồi, muỗi, ve, mòng,…) và vào thời điểm 1 - 2 tháng trước khi hết thời gian miễn dịch bảo hộ đối với trâu, bò đã được tiêm vắc xin Viêm da nổi cục. Ngoài đợt tiêm chính, các địa phương cần thường xuyên rà soát, tổ chức tiêm vắc xin Viêm da nổi cục bổ sung cho đàn trâu, bò chưa được tiêm phòng, phát sinh, nhập đàn trước và sau đợt tiêm chính. Sử dụng và bảo quản vắc xin Viêm da nổi cục được phép lưu hành tại Việt Nam theo hướng dẫn của nhà sản xuất, đơn vị cung ứng vắc xin, theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Chủ động phòng bệnh có hiệu quả bằng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh tiêu độc khử trùng, tiêu diệt véc tơ truyền bệnh. Chủ cơ sở nuôi trâu, bò áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh, khử trùng, tiêu độc bảo đảm không để gia súc mắc bệnh, làm lây lan dịch bệnh theo chỉ đạo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Chính quyền cơ sở, các cơ quan chuyên môn tổ chức phát động vệ sinh, tiêu độc định kỳ tại khu vực chợ, điểm buôn bán, giết mổ trâu, bò và các sản phẩm của trâu, bò; vệ sinh, khử trùng, tiêu độc đối với người, phương tiện ra vào khu vực chăn nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật chăn nuôi, vệ sinh phòng dịch. Chủ vật nuôi, cơ quan quản lý về thú y địa phương chủ động theo dõi, giám sát đàn trâu, bò. Trường hợp phát hiện trâu, bò mắc bệnh, nghi mắc bệnh Viêm da nổi cục, chết không rõ nguyên nhân hoặc trâu, bò, sản phẩm của trâu, bò nhập lậu, nghi nhập lậu, hông rõ nguồn gốc, báo cơ quan thú y địa phương, chính quyền cơ sở để xử lý theo quy định; cơ quan thú y thực hiện việc lấy mẫu để xét nghiệm bệnh Viêm da nổi cục trước khi xử lý gia súc mắc bệnh, nghi mắc bệnh theo quy định./.