Anh cho biết: Năm ngoái, Trạm thú y huyện đã chọn Tân Phong làm điểm xây dựng vùng an toàn dịch bệnh nên tôi tích cực tham gia. Từ khi tham gia các lớp tập huấn đến tiêm phòng đầy đủ theo định kỳ, từ các lớp này, tôi có thêm kiến thức về chăn nuôi và chủ động phòng- chống dịch bệnh cho gia súc. Khi trâu không bị bệnh vừa đem lại sức kéo, không mất thời gian, công sức, tiền của để chữa trị. Với bệnh nặng, trâu chết, thiệt hại lớn về kinh tế của gia đình. Mình phòng được dịch mới nghĩ đến chuyện phát triển chăn nuôi. Cũng như anh Phợi, gia đình anh Bùi Văn Phường ở cùng xóm Quyền từ năm 2010 đã có nhận thức đúng đắn về công tác phòng dịch. Anh bảo: Cán bộ thú y tích cực tuyên truyền về phòng, chống dịch là họ làm cho mình. Mình không tham gia, mình thiệt. Do vậy từ khi UBND tuyên truyền về xây dựng phòng dịch an toàn, anh tham gia tích cực trong phòng- chống dịch LMLM, tụ huyết trùng. Anh được đi tập huấn về kiến thức chăn nuôi, tiêm phòng dịch cho trâu 2 lần/năm và phun thuốc khử trùng chuồng trại 3-4 lần. Đi tập huấn về, anh làm đúng theo những kiến thức đã được học. Chăn nuôi mà không phòng dịch, chẳng khác gì chăn nuôi để kẻ trộm lấy mất. Trước, anh nuôi nhiều trâu, giờ chỉ còn 2 con nhưng anh vẫn tuân thủ theo đúng quy trình phòng dịch của Chi cục Thú y.
Sau hơn một năm triển khai xây dựng vùng an toàn dịch bệnh, nhận thức của người dân trong công tác phòng dịch nâng lên. Nhiều hộ đã chủ động tiêm phòng, nâng tỷ lệ tiêm phòng từ trên 80 lên 90%. Anh Bùi Quang Đạnh, thú y viên xã Tân Phong cho hay: Từ khi triển khai vùng an toàn dịch bệnh, tôi phải thường xuyên đi kiểm tra nắm bắt tình hình dịch bệnh trên địa bàn xã. Đồng thời, tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia các biện pháp phòng- chống dịch bệnh, thu gom rơm, rạ khô chuẩn bị cho mùa đông. Nếu để dịch bệnh xảy ra, việc chữa trị vừa tốn công sức, tiền của và thiệt hại về kinh tế gấp nhiều lần so với các biện pháp phòng dịch. Cũng như bao xã khác của huyện Cao Phong, xã Tân Phong ngoài trồng trọt, nông dân có thêm thu nhập từ chăn nuôi trâu, bò. Tuy không có trang trại lớn nhưng lượng trâu, bò của xã rất lớn nuôi theo hình thức gia đình nên việc phòng dịch gặp nhiều khó khăn. Do vậy, công tác tuyên truyền, sự ủng hộ của các cấp chính quyền và nhân dân là vô cùng quan trọng.