Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, của tỉnh, thời gian qua, huyện Tân Lạc đã quan tâm, hỗ trợ trực tiếp và đúng theo nhu cầu của nông dân trên địa bàn. Các chính sách của Nhà nước được triển khai và ban hành dựa trên mong muốn và điều kiện thực tế của người dân. Các hộ nông dân được đăng ký và nhận hỗ trợ theo đúng quy định, đảm bảo tính công khai, minh bạch, đúng đối tượng, định mức và hiệu quả được nâng cao. Huyện đã ban hành một loạt các văn bản, chính sách nhằm hỗ trợ và phục hồi sản xuất nông nghiệp. Một loạt các cơ chế chính sách đã được triển khai trong thời gian qua như: Hỗ trợ liên kết tiêu thụ một số sản phẩm như bưởi, mía, cây dược liệu, cây rau; Hỗ trợ phân bón cải tạo đất chuyện trồng lúa nước tại 04 xã Ngọc Mỹ, Phong Phú, Phú Cường, Ngổ Luông; Hỗ trợ giống vật nuôi cho 10 hộ tại xã Quyết Chiến - thực hiện mô hình chăn nuôi gà thịt thương phẩm theo VietGAHP (mô hình Trung tâm Khuyến nông tỉnh thực hiện) để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân.
Các nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia (Lúa gạo; Cây ăn quả có múi: cam, quýt, bưởi; Cây rau; Thịt lợn; Gia cầm) được duy trì sản lượng và phát triển ổn định. Hiện lúa gạo giữ ổn định diện tích đất canh tác lúa khoảng 4.200 ha; diện tích gieo trồng lúa 2 vụ/năm ước đạt 4.800 ha/năm, sản lượng năm 2022 đạt 27,1 nghìn tấn, đáp ứng đủ cho nhu cầu tiêu dùng và một phần cung cấp cho thị trường bên ngoài. Cây ăn quả có múi (cam, bưởi): Duy trì ổn định diện tích 1.523,8 ha, diện tích kinh doanh đạt 1.420 ha, tổng sản lượng ước đạt 22,2 nghìn tấn; đến nay toàn huyện có trên 240 ha cây ăn quả có múi đạt chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ; có 01 cơ sở sơ chế, đóng gói của Hợp tác xã sản xuất, chế biến và tiêu thụ bưởi đỏ Tân Lạc; 03 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn ba sao (Cam bưởi sạch của HTX Sơn Hoa; Bưởi đỏ Giang Lộc của HTX sản xuất, chế biến và tiêu thụ bưởi đỏ Tân Lạc; Bưởi hữu cơ Tân Đông của HTX trồng bưởi hữu cơ và DVNN Tân Đông); có 11 Hợp tác xã và 06 tổ hợp tác tham gia sản xuất cây ăn quả có múi, trong đó có 03 HTX có liên kết tiêu thụ sản phẩm; có 140,5ha bưởi được cấp mã vùng trồng (06 mã).
Tổng diện tích gieo trồng rau các loại năm 2022 đạt trên 1.000ha, sản lượng đạt trên 11 nghìn tấn. Trên địa bàn huyện đã hình thành một số vùng sản xuất rau tập trung như: Vùng trồng rau su su, củ cải, bí xanh, bí đỏ, trồng dưa chuột, lặc lày, khoai tây... Sản xuất rau đã hình thành một số mô hình liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm như: rau su su, củ cải; mướp đắng, bí đỏ lấy hạt; mô hình sản xuất rau đảm bảo đủ điều kiện an toàn thực phẩm, VietGAP như bí xanh, lặc lày…, thu nhập đạt từ 100 - 300 triệu đồng/ha/năm. Hiện trên toàn huyện 03 cơ sở được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP với diện tích trên 60 ha rau các loại.
Nhóm sản phẩm thuộc lĩnh vực chăn nuôi cũng có những chuyển biến tích cực, tổ chức sản xuất chăn nuôi chuyển đổi từ hình thức quảng canh, nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung an toàn sinh học, tăng tỷ trọng chăn nuôi gia trại, trang trại và công nghiệp. Hiện toàn huyện có 03 trang trại chăn nuôi lợn, 02 trang trại chăn nuôi đại gia sức, 03 trại gà.
Nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh (cây mía; cây dược liệu; Cá nuôi lồng; Gỗ sản phẩm từ gỗ) cũng có bước phát triển đáng kể. Cây mía: Duy trì các vùng trồng mía tím tập trung tại các xã Mỹ Hoà, Phú Vinh, thị trấn Mãn Đức, Suối Hoa. Diện tích mía hàng năm duy trì trong khoảng 1.100 ha, 90% là diện tích mía ăn tươi. Hiện trên địa bàn huyện có trên 40% diện tích đã sử dụng giống mía nuôi cấy mô. Ủy ban nhân dân huyện phối hợp với Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh hỗ trợ liên kết giữa Công ty TNHH đầu tư thương mại Tiến Ngân (Thành phố Hòa Bình), HTX nông lâm nghiệp Tùng Dương (huyện Tân Lạc) và Công ty CP nông nghiệp hữu cơ FUSA xuất khẩu 49 tấn mía sang thị trường EU. Cây dược liệu đã phát triển được khoảng 300 ha, đã có liên kết chế biến.
Nhóm sản phẩm thuộc lĩnh vực Lâm nghiệp, năm 2022 đã phát triển được trên 620 ha, sản lượng gỗ đạt trên 48 nghìn tấn gỗ. Thủy sản duy trì 139,56 ha; có 760 lồng nuôi cá; do được đầu tư thâm canh, đưa giống mới vào sản xuất nên sản lượng thuỷ sản nuôi trồng tăng, năm 2022 ước đạt trên 1.000 tấn. Thu nhập bình quân đạt 200 triệu/ha mặt nước nuôi trồng thủy sản.
Tuy nhiên hiện nay đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng như thủy lợi, cơ sở sản xuất, dịch vụ, chế biến, bảo quản nông sản trên địa bàn huyện...chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất, chưa đầu tư đồng bộ cho các dự án, đề án sản xuất hàng hóa nên chưa hình thành được những vùng sản xuất chuyên canh quy mô lớn. Các Hợp tác xã sản xuất với quy mô lớn còn ít, số HTX tham gia các chuỗi liên kết tăng nhưng vẫn chưa bền vững do khó khăn về vốn, kỹ thuật và hạ tầng.
Nhìn chung, nhờ triển khai hiệu quả, kịp thời các chính sách hỗ trợ nông dân, phục hồi phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, cơ sở hạ tầng cho các địa phương đặc biệt là các xã điểm từng bước cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn. Chất lượng nông sản ngày càng được quan tâm và nâng cao, đến nay trên địa bàn huyện có trên 300 ha diện tích cây trồng được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ bao gồm cây ăn quả có múi, rau các loại; các sản phẩm nông sản được dán tem truy xuất nguồn gốc. Năm 2022, đã được Cục bảo vệ thực vật cấp 06 mã số vùng trồng xuất khẩu bưởi sang thị trường Châu Âu; có 01 mã cơ sở đóng gói quả tươi./.