DetailController

Nông, Lâm, Ngư Nghiệp

Tân Lạc: Tập trung cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị sản phẩm

04/11/2022 00:00
Thực hiện kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp năm 2022, huyện Tân Lạc đã triển khai đồng bộ các chính sách như hỗ trợ liên kết tiêu thụ một số sản phẩm cây ăn quả, cây dược liệu, cây rau; hỗ trợ phân bón cải tạo đất chuyên trồng lúa nước; hỗ trợ giống vật nuôi… Tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn phát triển cơ bản ổn định và có bước tăng trưởng khá; các mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa tiếp tục duy trì hiệu quả, từng bước hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, các hình thức tổ chức sản xuất được hoàn thiện và nâng cao.
Tập trung phát triển thương hiệu Bưởi đỏ Tân Lạc là mục tiêu quan trọng trong thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp của huyện

Để triển khai thành công đề án, huyện đã tích cực thông tin, tuyên truyền về Kế hoạch và các Đề án nông nghiệp tại các buổi họp thôn/xóm và qua hệ thống loa phát thanh của xã. Thông qua các văn bản triển khai Kế hoạch sản xuất hàng năm, hàng vụ, hàng tháng của UBND huyện và các phòng, ban, ngành chuyên môn nhằm triển khai thực hiện các nội dung, giải pháp, chính sách hỗ trợ nhằm chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng, vật nuôi góp phần đẩy mạnh chuyển đổi phát triển các sản phẩm chủ lực.

Thực hiện đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp trên các lĩnh vực, căn cứ vào thực tế địa phương đã bố trí các vùng sản xuất cho từng loại cây trồng phù hợp. Ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao cũng được áp dụng từ khâu chăm sóc đến thu hoạch giúp tăng năng suất, chất lượng. Giá trị thu nhập bình quân trên 01 ha đất trồng trọt năm 2022 ước đạt 160 triệu đồng. Thời gian qua đã dần thay đổi hình thức chăn nuôi từ nhỏ lẻ nông hộ sang nuôi theo hình thức trang trại. Tổng số trang trại chăn nuôi năm 2022 là 05 trang trại. Các trang trại và các hộ chăn nuôi đã chủ động trong việc đầu tư cơ sở vật chất, bố trí diện tích đất trồng cây thức ăn (cỏ, ngô sinh khối) và tận dụng phế phụ phẩm trong nông nghiệp để làm thức ăn cho gia súc, gia cầm. Duy trì tốt việc chăm sóc, phòng chống đói rét, dịch bệnh cho đàn cá, không có dịch bệnh lớn xảy ra. Toàn huyện hiện có 139,56 ha nuôi trồng thủy sản, sản lượng thu hoạch trên 1.000 tấn. Thực hiện hiệu quả Đề án phát triển bền vững rừng sản xuất giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 huyện Tân Lạc và chuyển hóa rừng kinh doanh gỗ lớn (đến năm 2022 đạt trên 174 ha, đạt 100% KH). Diện tích trồng mới rừng sau khai thác đạt 620,3ha đạt 116,5% so với kế hoạch năm.

Huyện đã tiến hành xây dựng mô hình trình diễn và tập huấn chuyển giao kỹ thuật  là 2 nội dung quan trọng nhằm đưa những tiến bộ khoa học và các giống cây con mới ứng dụng vào sản xuất. Thực hiện các dự án, mô hình khoa học công nghệ được áp dụng rộng rãi như: Sử dụng các loại chế phẩm để ủ làm phân bón cho cây trồng và ủ thức ăn cho đàn gia súc; phun thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ sâu bệnh hại lúa bằng thiết bị bay không người lái; mô hình nông lâm kết hợp VAC;...Các mô hình phát triển sản xuất về giống mới năng suất cao, chất lượng tốt; mô hình áp dụng các kỹ thuật như IPM, SRI, tưới tiết kiệm nước,... cũng được triển khai rộng rãi và có hiệu quả. Để nâng cao hiệu quả trong việc tiếp cận của nông dân với việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật. Huyện đã có nhiều chính sách hỗ trợ thông qua các mô hình, dự án, chương trình, các hình thức hỗ trợ như: Tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ giống và vật tư, hỗ trợ dịch vụ (phun thuốc BVTV), hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng mô hình,...Giúp người dân tiếp cận dễ dàng và áp dụng rộng rãi trong sản xuất, đem lại hiệu quả và có tính nhân rộng. Năm 2022, huyện đã triển khai nhiều mô hình khuyến nông và đã đem lại hiệu quả cao về mặt kinh tế. Các mô hình được triển khai như: Trình diễn giống lúa, trồng ngô sinh khối và trồng cây dược liệu theo chuỗi liên kết giá trị, ... các mô hình được triển khai và nhân rộng trên địa bàn các xã.

Thực hiện đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, đến nay, toàn huyện có tổng số 33 hợp tác xã nông lâm nghiệp; có 20 tổ hợp tác; có 13 HTX, tổ hợp tác có sản phẩm được chứng nhận VietGAP, hữu cơ, 03 HTX có chứng nhận ATTP; 05 HTX ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong trồng trọt như: Nhà lưới, hệ thống tưới tiêu tiết kiệm …; 01 HTX được cấp mã cơ sở đóng gói. Các chuỗi liên kết giá trị được hình thành theo các hình thức liên kết giữa nông dân - doanh nghiệp, nông dân - hợp tác xã và nông dân - hợp tác xã - doanh nghiệp. Các chuỗi liên kết từ khâu sản xuất - tiêu thụ. Một số mô hình liên kết quy mô lớn đã duy trì qua nhiều năm như trồng bí đỏ, mướp đắng lấy hạt quy mô trên 15 ha tại xã Lỗ Sơn đem lại hiệu quả kinh tế cao cho thu nhập từ 100-200 triệu/ha/vụ/năm; mô hình trồng bí xanh thu nhập từ 150-200 triệu đồng/ha/vụ/năm,…Tính đến năm 2022, toàn huyện có 05 trang trại. Thu nhập bình quân đạt 1,5 - 1,7 tỷ/trang trại. Tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động và trên 100 lao động thời vụ.

Cơ sở hạ tầng trong nông nghiệp ngày càng được đầu tư và nâng cao ngày càng đáp ứng nhu cầu về sản xuất cũng như sinh hoạt của người dân. Hệ thống các nhà lưới, tưới tiết kiệm được cải thiện và nâng cấp đặc biệt tại các vùng trồng cây ăn quả, cây rau các loại. Thời gian tới, huyện tiếp tục ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp có dự án đầu tư vào chăn nuôi, đặc biệt là hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở/khu giết mổ tập trung gia súc, gia cầm. Tiếp tục xây dựng các chính sách hỗ trợ đầu tư máy móc, trang thiết bị, cơ sở hạ tầng cho các Hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Tăng cường hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ vào trong sản xuất. Thúc đẩy kinh tế tập thể phát triển. Hỗ trợ người nông dân trong liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; tiếp tục mở rộng thị trường cho một số sản phẩm nổi tiếng của địa phương như Bưởi đỏ Tân Lạc, rau Su Su Tân Lạc…./.