Vụ hè – thu năm 2011, diện tích lúa toàn huyện trên 2.900 ha, do cấy muộn nên mói có khoảng trên 70% diện tích đang ở thời kỳ ôm đòng - trỗ, gần 30% diện tích lúa trà muộn đang đứng cái. Diện tích mía tím ở các xã Phú Vinh, Mỹ Hòa, Quy Mỹ, Do Nhân… bước vào thời kỳ vươn lóng, tích lũy đường. Cây ngô trà sớm đã trổ cờ, phun râu, ngô đại trà đang xoáy nõn. Riêng cây rau đậu vào thu hoạch đại trà, một số diện tích rau trà muộn đang phát triển thân lá. Trên lúa hiện nay đang có sâu cuốn lá nhỏ hại nhẹ ở diện rộng với mật độ phổ biến 15 con/mét vuông, tập đoàn rầy nâu, rầy nâu nhỏ, rầy lưng trắng ở tuổi trưởng thành, có mật độ phổ biến 300 con/mét vuông, nơi cao mật độ 500 con/mét vuông. Bệnh đạo ôn xuất hiện gây hại trên diện hẹp với tỷ lệ hại phổ biến 10% số lá, ước khoảng 27ha nhiễm. Bệnh khô vằn hại cục bộ trên những chân ruộng bón phân không cân đối, bón thừa đạm, tỷ lệ bệnh phổ biến 5% trên diện tích nhiễm là 12 ha. Bệnh nghẹt rễ, vàng lá đốm nâu hại mạnh trên diện tích nhiễm 155 ha, tỷ lệ hại phổ biến 20%, cá biệt có ruộng tỷ lệ hại trên 70% số lá.
Trên cây ngô, sâu đục thân tỷ lệ hại phổ biến 0,5% – 1% số cây, sâu cắn lá nõn tuổi 2 - 3 mật độ phổ biến 1 – 3 con/mét vuông, rệp cờ, rệp bắp tỷ lệ hại 5% - 7% số cây. Trên cây mía, sâu đục thân tuổi 2 – 4 tỷ lệ hại phổ biến 1% số cây, rệp sáp, rệp xơ trắng tỷ lệ hại phổ biến 10% - 15% số lá, số cây, bệnh thối gốc rễ tỷ lệ hại phổ biến 1% -3% số cây, cục bộ có ruộng 10% số cây. Ngoài ra còn một số diện tích bị bệnh thối nõn, xoăn lá ngọn, đốm lá, châu chấu hại nhẹ. Trên cây rau xuất hiện bọ nhảy, sâu xanh, sâu khoang, rệp với mật độ phổ biến 1% - 3% con/mét vuông. Ngoài ra còn có các bệnh hại nhẹ như sương mai, thối nhũn, lở cổ rễ, phân trắng, hán thư trên cây rau họ bầu bí và họ thập tự.
Dự báo tình hình sinh vật hại cây trồng trong những ngày tới, ông trưởng trạm BVTV huyện cho biết: sâu cuốn lá nhỏ sẽ gây hại mạnh trên diện rộng, cục bộ có nơi trên 50 con/mét vuông gây xơ trắng bộ lá. Rầy lứa 6 tiếp tục gây hại trên các trà lúa với mật độ phổ biến 500 – 700 con/mét vuông, sâu đục thân bướm hai chấm lứa 5 tiếp tục gây dảnh héo, bông bạc rải rác trên các trà lúa cùng với đó là bệnh đạo ôn cổ bông gây hại tren giống nhiễm, bệnh vàng lá do thiếu vi lượng và ngộ độc hữu cơ tiếp tục tăng diện phân bố trên các trà lúa, bọ xít dài tăng mật độ trên trà sớm và trà chính vụ, hại nặng ở những ruộng trỗ nước, nơi gần vườn cây, gò đồi, gây nghẹn dòng hoặc thâm đen hạt thóc. Trên cây ngô, sâu đục thân tỷ lệ hại phổ biến 1% số cây, cao 35 – 5% số cây, rệp cờ, rệp bắp tỷ lệ hại 2% - 4% số cây. Trên mía, rệp sáp, rệp xơ trắng gây hại mạnh ở giai đoạn cuối vươn lóng, bệnh thối nõn, thối gốc, rễ, sâu đục thân, đóm lá hại rải rác.
Mật độ rầy được trạm quản lý sát sao thông qua việc kiểm tra thường xuyên, theo dõi hàng ngày qua 2 bẫy đèn đạt tại cánh đồng xóm Đầm, xã Mãn Đức và cánh đồng xóm Sung, xã Địch Giáo. Trên cơ sở dự báo, dự tính, trạm kịp thời gửi thông báo hàng tuần tới các xã, thị trấn về kết quả điều tra, dự kiến đúng thời gian sâu bệnh hại phát sinh, phát triển tới hộ nông dân trên các phương tiện loa đài truyền thanh của từng xóm giúp bà con chủ động theo dõi chặt chẽ diễn biến sâu cuốn lá nhỏ, phun trừ kịp thời khi sâu còn non, tuổi còn nhỏ và xử lý hiện tượng vào lá lúa theo hướng dẫn. Đặc biệt là theo dõi sát diễn biến thời tiết, các đối tượng sâu bệnh hại chủ yếu trên lúa và các cây trồng cạn. Từ đó, góp phần bảo vệ mùa màng, đảm bảo năng suất và sản lượng lúa, cây màu vụ hè –thu như kế hoạch.