Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã và tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh khuyến khích hộ cá thể liên kết thành tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đủ năng lực cạnh tranh, thích ứng với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất trong tình hình mới. Bên cạnh đó, cụ thể hóa và ban hành một số chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, chỉ đạo thực hiện lồng ghép các chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn với việc mở rộng, nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 311 hợp tác xã và trên 2.000 tổ hợp tác. Các hợp tác xã và tổ hợp tác đang có những bước phát triển cả về chất lượng và số lượng.
Cùng với đó, UBND tỉnh chỉ đạo đẩy mạnh các hình thức liên kết theo chuỗi giá trị gia tăng từ cung cấp đầu vào - tổ chức sản xuất - chế biến - tiêu thụ giữa doanh nghiệp với nông dân và tổ chức đại diện của nông dân. Trong đó, doanh nghiệp giữ vai trò đầu mối, nòng cốt nhằm nâng cao hiệu quả, khả năng cạnh tranh hàng nông sản. Đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm. Chú trọng triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá, xây dựng nhãn hiệu các sản phẩm lợi thế của tỉnh, tạo điều kiện tiêu thụ hàng hóa nông sản ra thị trường ngoại tỉnh.
Thời gian tới, các địa phương trên địa bàn tỉnh tiếp tục chú trọng đẩy mạnh các hình thức liên kết sản xuất, ưu tiên tạo điều kiện thuận lợi để hỗ trợ các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp - nông thôn. Tập trung xây dựng và nhân rộng các mô hình liên kết giữa doanh nghiệp - nhà khoa học - người nông dân thông qua các hợp đồng kinh tế. Cần có phương án khắc phục, xử lý có hiệu quả tình trạng ô nhiễm môi trường từ rác thải, chất thải do hoạt động trồng trọt, chăn nuôi ở khu vực nông thôn gây ra. Qua đó, thay đổi đời sống sinh hoạt, nâng cao các giá trị vật chất, tinh thần của người dân, góp phần tăng cường đảm bảo an ninh trật tự và hệ thống chính trị - xã hội tại địa phương. Đổi mới hoạt động quản lý Nhà nước để hỗ trợ doanh nghiệp; phát triển thị trường, xúc tiến thương mại, bảo vệ môi trường... Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu ngành Nông nghiệp./.