Hiện nay, lúa vụ mùa – hè thu đang trong giai đoạn đẻ nhánh rộng, nông dân Kim Bôi đang trong quá trình làm cỏ. Do vụ xuân cấy trà muộn, chậm với kế hoạch cộng với tình hình thời tiết thường xuyên biến động tạo điều kiện cho sâu hại phát triển mạnh. Thực tế huyện Kim Bôi hiện nay đã phát hiện sâu cuốn lá nhỏ và rầy phát sinh mật độ tương đối cao và trên diện tích rộng. Sâu cuốn lá nhỏ phát sinh tương đối toàn diện, đặc biệt ở các xã trung tâm, các xã bị nặng như: Hạ Bì, Kim Bình, Kim Bôi.
Trước tình hình đó huyện đã ra “Thông báo khẩn về tình hình sâu cuốn lá và tập đoàn rầy hại lúa mùa năm 2011”: Khuyến cáo đối với bà con các biện pháp phòng trừ đối phó với các loại sâu bệnh và khuyên bà con nên kết hợp vừa làm cỏ, vừa bón phân và dự báo tình hình rầy cám lứa 5 gây hại từ 20 – 25 tháng 8 trở đi, mật độ trung bình từ 300 – 400 con/ 1m². Còn rầy cám lứa 6, gây hại từ 15 – 20 tháng 9 trờ đi, gây hại trên trà lúa giai đoạn ngậm sữa…nếu mật độ cao, gây hại nặng có thể dẫn tới gây cháy, mất thu. Còn sâu cuốn lá nhỏ thì hiện nay đã lây lan tương đối rộng khắp, gây hại diện tích tương đối lớn, đặc biệt có ruộng bị hại 100 %, cây lúa đã chuyển sang màu trắng do sâu ăn hết phần lá xanh.
Ông Quách Văn Ban, trường trạm bảo vệ thực vật huyện Kim Bôi cho biết: Nên có những biện pháp đối phó với từng loại sâu bệnh: Riêng với rầy nâu bà con nên chú ý ở những diện tích có mật độ nhỏ hơn 50 con/ 1 m² không nên phun thuốc, tránh lãng phí. Những diện tích có mật độ trên 50 con/1 m² nên sử dụng các loại thuốc Finico 800 WG, Dylan 2EC, Rigell 800WG, Karate 2,5 EC, Catex 3,6 EC…, thời điểm phun tốt nhất đối với sâu non cuốn lá nhỏ là sâu non tuổi từ 1 -2, cần phân loại ruộng để xác định diện tích cần xử lý, chỉ phun những thửa ruộng có mật độ cao theo hướng dẫn, không phun tràn làn cả cánh đồng. Đối với sâu cuốn lá nhỏ, nếu phun xong mà mật độ sâu vẫn còn cao cần tiến hành phun lại lần nữa, lần 2 cách lần 1 từ 3 – 4 ngày, những ruộng phun xong trong vòng 12 giờ mà gặp mưa thì cũng cần phun lại. Và đặc biệt bà con không nên dùng rào tre để khua cho rách bao lá trước khi phun thuốc vì như vậy vi khuẩn bạc lá sẽ xâm nhập, tấn công lúa qua vết thương bị gây nên bởi rào tre. Giai đoạn lúa đẻ nhánh, đẻ nhánh rộng cần phải chăm sóc lúa, giúp lúa tăng khả năng tăng trưởng và mau chóng phục hồi. Đối với rầy lưng trắng, rầy nâu nhỏ cần tiến hành phun thuốc vào buổi sáng và buổi chiều mát, phun khi nhiệt độ không quá 30 độ C hay trời sắp mưa. Cây lúa đang trong giai đoạn đẻ nhánh nên sử dụng các hóa chất như Actara, Amira 25WG, Midam 10Wp, Butyl 10Wp. Đối với giai đoạn ôm đòng trở đi thì phun thuốc Bassa, Mopride, Nibas 50ND…
Để đối phó với tình hình sâu bệnh đang lây lan trên diện rộng hiện tại nông dân Kim Bôi đã tự trang bị bình phun, thuốc trừ sâu, tiến hành phun rộng khắp các diện tích lúa bị hại, đặc biệt một số địa phương, một số xã trong huyện như: Kim Bôi, Đú Sáng, Nam Thượng, xóm Lạng – Kim Bình đã trang bị được bình phun động cơ (máy phun động cơ thuốc trừ sâu), đây là biện pháp mới có hiệu quả cao, do hạt thuốc bé, bám dính chặt, lượng thuốc phun đều, hiệu quả diệt trừ sâu bệnh cao hơn, do loại bình phun này có giá tương đối cao, trên 10 triệu đồng, nên không phải gia đình nào cũng tự trang bị được.
Tình hình sâu bệnh trên địa bàn Huyện Kim Bôi đang có những diễn biến phức tạp. Vì vậy, bà con luôn cần phải chủ động và khẩn trương huy động mọi nguồn lực để dập tắt các loại sâu bệnh, đảm bảo năng suất cho vụ mùa sắp tới.