Tính đến nay, tổng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh đạt gần 20 tỷ đồng. Trong đó: Nguồn vốn ủy thác của Trung ương hơn 10 tỷ đồng; nguồn vốn ngân sách của tỉnh gần 5 tỷ đồng; nguồn vốn ngân sách của huyện trên 1,6 tỷ đồng...Mặt khác, được các cấp Hội phát động, hằng năm, mỗi cán bộ, hội viên tích cực tham gia đóng góp ủng hộ, phát triển quỹ từ 5 nghìn đồng đến 50 nghìn đồng trở lên nên đến nay nguồn vốn do cán bộ, hội viên đóng góp đã lên tới trên 2,6 tỷ đồng.
Nguồn vốn ưu đãi của Quỹ Hỗ trợ nông dân đã trực tiếp giúp các hộ hội viên nông dân có thêm điều kiện thuận lợi để mở rộng sản xuất, nâng cao đời sống; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hiệu quả, nhiều mô hình thành công mang lại thu nhập cao cho các hộ tham gia.
Nổi bật như các mô hình trồng bưởi đỏ ở xã Mãn Đức, huyện Tân Lạc với số tiền 300 triệu đồng/14 hộ; nuôi cá nước ngọt thương phẩm tại thành phố Hòa Bình với số tiền 300 triệu đồng/11 hộ, nuôi dê sinh sản xã Quy Hậu, nuôi trâu bò vỗ béo ở xã Thanh Hối, huyện Tân Lạc; mô hình chăn nuôi bò sữa ở xã Liên Sơn, trồng rau hữu cơ an toàn ở thị trấn Lương Sơn, huyện Lương Sơn; mô hình chăn nuôi lợn sinh sản và lợn thịt ở xã Hợp Thịnh, huyện Kỳ Sơn; mô hình nuôi lợn bản địa ở xã Pà Cò, huyện Mai Châu, trồng cây có múi (cây cam) ở thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong với số vốn 300 triệu đồng/10 hộ... Trong đó, riêng Quỹ hỗ trợ nông dân huyện Cao Phong đến nay đã đạt 1,590 tỷ đồng, đầu tư cho 07 dự án trồng cam, chăn nuôi trâu bò sinh sản và nuôi cá lồng cho 58 hộ vay.
Những mô hình này đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tăng thu nhập trả hết vốn vay, giúp các gia đình vươn lên thoát nghèo. Đây là những mô hình được xây dựng từ nguồn vốn của Quỹ Hỗ trợ nông dân.
Ngoài ra, để nâng cao vai trò, trách của các các tổ chức Hội, các cấp Hội nông dân trong tỉnh đã thực hiện tín chấp, nhận ủy thác cho vay giúp hội viên phát triển kinh tế. Kết quả đến nay đã có trên 1.800 tỷ đồng tiền vốn của các ngân hàng được giải ngân với trên 5,6 lượt hộ vay vốn. Trong đó, chỉ riêng nguồn vốn của Quỹ đã hỗ trợ thực hiện hơn 100 dự án với trên 1.600 lượt hộ hội viên nông dân được vay vốn phát triển sản xuất.
Bên cạnh việc hỗ trợ vốn cho hội viên, nông dân, các cấp Hội còn tích cực phối hợp chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các hộ tham gia dự án. Do đó, hiệu quả hoạt động của Quỹ không ngừng nâng lên. Đồng thời, thông qua việc thành lập ở cơ sở các tổ nhóm để hội viên nông dân có điều kiện trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ cây con giống, chia sẻ thông tin thị trường tiêu thụ…Quỹ hỗ trợ nông dân đã thu hút ngày càng nhiều nông dân tham gia trong tổ chức Hội; chất lượng công tác xây dựng Hội ngày càng được nâng lên.
Để nâng cao chất lượng và hiệu quả các hoạt động dịch vụ hỗ trợ nông dân, Hội Nông dân tỉnh còn chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức tập huấn khoa học kỹ thuật cho các hộ tham gia dự án, hỗ trợ nông dân; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đôn đốc Hội Nông dân các huyện, cơ sở thực hiện công khai, dân chủ các khâu lập dự án, thẩm định, cho vay. Đồng thời xây dựng các dự án mới từ nguồn phân bổ và nguồn vốn quay vòng. Chủ động đẩy mạnh việc tuyên truyền hội viên, nông dân, các tổ chức, cá nhân về mục đích, ý nghĩa hoạt động của Qũy Hỗ trợ nông dân, tranh thủ nguồn ngân sách của địa phương để vận động tăng trưởng, phát triển nguồn vốn quỹ đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Nhờ huy động các nguồn lực về vốn đã giúp hội viên, nông dân trên địa bàn tỉnh phát triển sản xuất, kinh doanh.
Nhận thấy hiệu quả hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo Hội Nông dân tỉnh tiếp tục nghiên cứu xây dựng cơ chế vận động các tổ chức, doanh nghiệp, cán bộ hội viên nông dân hỗ trợ, đóng góp bỏ sung nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân và sử dụng nguồn vốn đúng mục đích hiệu quả, góp phần giúp cán bộ, hội viên thúc đẩy việc chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng theo hướng hàng hóa, phát huy những tiềm năng thế mạnh của địa phương, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, tạo ra giá trị kinh tế cao, giúp nhiều hộ nông dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu bền vững.