DetailController

Nông, Lâm, Ngư Nghiệp

Quản lý và khai thác hiệu quả các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh

10/01/2023 00:00
Những năm qua, các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh tiếp tục được quan tâm đầu tư sửa chữa, nâng cấp. Các cơ quan chức năng tổ chức chặt chẽ công tác quản lý các công trình. Qua đó, hiệu quả quản lý, khai thác công trình được nâng cao; diện tích canh tác được mở rộng, tạo môi trường thuận lợi người nông dân tăng năng suất, sản lượng và chất lượng sản phẩm.
Nhằm ngăn chặn tình trạng thiếu nước vào mùa khô, tỉnh đã huy động nguồn lực để đầu tư nạo vét các kênh mương, nâng cấp hồ chứa.

Để tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp, ngành Nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh thực hiện lồng ghép nhiều nguồn vốn đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi, phục vụ công tác tưới, tiêu, phát triển sản xuất nông nghiệp. Ưu tiên nguồn vốn để triển khai xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo hệ thống thủy lợi tại hầu hết những vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, góp phần nâng cao sản lượng và giá trị sản xuất.

Tính đến năm 2022, toàn tỉnh có tổng 1.909 công trình và hệ thống công trình thủy lợi được đầu tư xây dựng kiên cố và bán kiên cố. Trong đó, có 1.812 công trình tưới bằng trọng lực, phục vụ tưới cho khoảng 37.654 ha lúa, 8.999 ha màu, 1.432 ha cây công nghiệp, cây ăn quả và 2.839 ha cây vụ đông. Có 79 công trình tưới bằng động lực, phục vụ tưới, tiêu cho khoảng 1.629 ha lúa, 1.068 ha màu, 933 ha cây công nghiệp và cây ăn quả, 307 ha cây vụ đông. Ngoài ra, có 18 trạm thủy luân phục vụ tưới kết hợp trọng lực và động lực phục vụ tưới cho khoảng 575 ha lúa,72 ha màu và 92 ha cây vụ đông.

Trước những diễn biến phức tạp của thời tiết gây tình trạng thiếu nước vào mùa khô, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp. Nhằm ngăn chặn tình trạng thích ứng với biến đổi khí hậu, tỉnh đã huy động nguồn lực để đầu tư nạo vét các kênh mương, nâng cấp hồ chứa. Năm 2022, toàn tỉnh đã kiên cố hoá được hơn 2.015 km, đạt 54,1%. Có 474 đập, hồ chứa nước cần thực hiện các quy định về an toàn đập. Hệ thống công trình thuỷ lợi đã cấp nước tưới chủ động phục vụ sản xuất cho các vụ là 55.643 ha. Tỷ lệ diện tích cây hàng năm được tưới chủ động đạt 47%; tỷ lệ diện tích cây hàng năm được tiêu chủ động đạt khoảng 85%. So với năm 2021, diện tích được tưới tăng thêm 222 ha. Đặc biệt đã có 978 ha sản xuất cây trồng cạn các loại áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên địa bàn các huyện: Cao Phong, Lạc Thủy, Kim Bôi, Yên Thủy, Lạc Sơn. Việc ứng dụng kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất đã đem lại hiệu quả bằng việc giảm công lao động, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí vật tư đầu vào như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nước tưới.

Công tác quản lý, vận hành công trình thủy lợi được cấp theo quy định. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hướng dẫn cụ thể cho các đơn vị, tổ hợp tác quản lý các công trình hồ, đập xây dựng quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Hàng năm, các đơn vị quản lý được giao nhiệm vụ quản lý hồ, đập chủ động xây dựng kế hoạch tưới tiêu, điều tiết phân phối nước. Rà soát các công trình hư hỏng, xuống cấp để lập kế hoạch ưu tiên các hạng mục công trình mang tính cấp bách đưa vào tu sửa, nâng cấp từ nguồn kinh phí được phân cấp hàng năm. Đồng thời, triển khai đồng bộ các giải pháp về thủy lợi, góp phần phát huy và nâng cao năng lực cấp nước, cơ bản đảm bảo nước tưới cho diện tích sản xuất và nước sinh hoạt cho nhân dân. Đối với các tuyến đê địa phương quản lý, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo đôn đốc các địa phương rà soát, xây dựng và phê duyệt các phương án bảo vệ trọng điểm. Nhất là trong các đợt xả lũ của Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, Sở đã phối hợp tốt với các cơ quan chức năng kịp thời thông tin về tình hình xả lũ, triển khai các phương án ứng phó giúp các địa phương chủ động trong công tác ứng phó./.