Các hoạt động cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, chứng nhận nhãn hiệu, quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận và xác nhận chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn được tăng cường thực hiện có hiệu quả. Thường xuyên thanh tra, kiểm tra các sản phẩm nông sản thực phẩm và các sản phẩm chế biến, bao gói sẵn, kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm về chất lượng, an toàn thực phẩm; đã tiến hành truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý theo quy định. Công tác kiểm tra chất lượng vật tư nông nghiệp được thắt chặt, đảm bảo yêu cầu đầu vào cho sản xuất.
Thực hiện Nghị quyết số 14-NQ/TU ngày 13/11/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về cơ chế hỗ trợ tiêu thụ nông sản hàng hóa trên địa bàn tỉnh, tỉnh Hòa Bình đã tập trung lãnh đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông sản của tỉnh được tiếp xúc, gặp gỡ, trao đổi thông tin với các tỉnh trong cả nước để tìm kiếm cơ hội hợp tác, mở rộng thị trường. Hòa Bình là một trong ba tỉnh, thành phố đầu tiên của cả nước được quan tâm xây dựng và vận hành Cổng thông tin điện tử truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm tại địa chỉ: HB.CHECK.NET.VN, đây là bước đầu để phát triển thương mại điện tử. Đến nay đã có 72 doanh nghiệp, HTX với 400 sản phẩm được quảng bá trên hệ thống và trên 08 triệu Tem truy xuất nguồn gốc để gắn lên các sản phẩm nông sản. Tổng số vùng trồng được cấp mã số trên địa bàn tỉnh là 9 mã số với diện tích đạt 76,3 ha. Trong đó, mã số vùng trồng quả tươi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc là 07 mã số (Vùng trồng nhãn có 01 mã số; vùng trồng chuối có 04 mã số, vùng trồng thanh long có 02 mã số); mã số vùng trồng quả tươi xuất khẩu thị trường Úc là 02 mã số trên cây nhãn. Các vùng trồng được cấp mã số đã xuất khẩu chính ngạch được 120 tấn nhãn, 180 tấn chuối sang thị trường Trung Quốc.
Công tác xây dựng, bảo hộ thương hiệu có bước tiến tích cực, đã có 01 Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm Cam Cao Phong; 21 Nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể. Nhiều nhãn hiệu được bảo hộ đã góp phần tích cực đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng như: Bưởi đỏ Tân Lạc; “Gà Lạc Thủy”; “Cá Sông Đà – Hòa Bình”; “Tôm Sông Đà – Hòa Bình” “Rau hữu cơ Lương Sơn”; “Mật ong – Hòa Bình”…Đến nay, nông sản chủ lực của tỉnh không bị tồn và dư thừa, sản lượng tăng mạnh. Đặc biệt là những nông sản lợi thế của tỉnh như Cam, Bưởi, Nhãn, Su Su, Tỏi tía, rau hữu cơ, Mía tía, lợn bản địa, gà đồi, cá lòng hồ Hòa Bình…đã tiếp cận được thị trường ngoại tỉnh đặc biệt là thủ đô Hà Nội, được người tiêu dùng đánh giá cao. Một số nông sản chủ lực của tỉnh đã vào được hệ thống các siêu thị, Trung tâm thương mại lớn như: Big C, Vinmart, Coop Mark, các cửa hàng thực phẩm sạch.
Ngoài tiêu thụ tại thị trường trong nước thì một số doanh nghiệp, hợp tác xã đã và đang nghiên cứu thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu như: Công ty TNHH PACIFIC xuất khẩu sang Nhật đối với các loại sản phẩm là dưa chuột, lá ớt, gừng muối với sản lượng 1.900 tấn/năm (giá trị gần 2 triệu USD); Công ty Cổ phần Nông lâm sản Kim Bôi xuất khẩu sang Trung Quốc và Châu Âu với khoảng 100 tấn măng, 2 tấn miến, 5 tấn phở khô/năm; Công ty TNHH một thành viên Tân Hiếu Hưng xuất khẩu sang Trung Quốc với số lượng 15 nghìn tấn tinh bột sắn/năm (giá trị hơn 5 triệu USD); Công ty cổ phần Sơn Thủy xuất khẩu sang Hàn quốc khoảng 10.000 m³ gỗ ép/năm. Một số sản phẩm đang có triển vọng xuất khẩu như: Chuối, nhãn, xả, rau, quả, măng, ngũ cốc và sản phẩm chế biến từ chế biến sắn, gỗ…Với tổng giá trị xuất khẩu khoảng gần 10 triệu USD/năm.
Thực hiện hỗ trợ theo Quyết định số 33/2015/QĐ-UBND ngày 04/11/2015 và Quyết định số 53/2016/QĐ-UBND ngày 16/12/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh, đến nay đã bố trí 3,4 tỷ đồng để hỗ trợ tiêu thụ hơn 1 vạn tấn nông sản đi các thị trường ngoài tỉnh. Số doanh nghiệp tham gia tiêu thụ nông sản ra ngoài tỉnh ngày càng tăng. Hình thức tiêu thụ nông sản ngày càng đa dạng, đặc biệt gắn kết giữa phát triển du lịch với quảng bá và tiêu thụ nông sản. Lượng nông sản được tiêu thụ tăng thông qua hình thức sàn giao dịch điện tử, Facebook, Email, Internet; giao hàng trực tuyến; gửi hàng qua xe…Đây là hình thức tiêu thụ mới được các doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân ứng dụng ngày càng hiệu quả./.