DetailController

Nông, Lâm, Ngư Nghiệp

Quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện Đà Bắc

15/03/2023 17:00
Rừng có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và là lá phổi bảo vệ môi trường sinh thái của đất nước. Rừng cũng là không gian chính cho các hoạt động lâm nghiệp, một ngành kinh tế chủ chốt trong cơ cấu phát triển kinh tế nông nghiệp và kinh tế quốc dân, người dân sinh sống nhờ rừng và các ngành lâm nghiệp chiếm tỷ lệ lớn. Ngày 12/01/2017, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị 13-CT/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng”. Sau 05 năm thực hiện Chỉ thị, công tác quản lý, bảo vệ phát triển rừng trên địa bàn huyện Đà Bắc đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, tạo nhiều dấu ấn như duy trì độ che phủ rừng trên toàn huyện ổn định 61%, kinh tế rừng dần phát triển, đáp ứng nhu cầu thị trường.
 Hiện nay độ che phủ rừng trên toàn huyện ổn định 61%, kinh tế rừng dần phát triển

Trong những năm qua, Huyện ủy, UBND huyện, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội đã đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền nâng  cao ý thức, trách nhiệm của cấp  ủy, chính quyền địa phương các cấp, của cán bộ, đảng viên và Nhân,  xác định công tác quản lý bảo vệ rừng là nhiệm vụ trọng tâm, là trách nhiệm của toàn dân; thực hiện nghiêm túc chủ trương cấm khai thác gỗ rừng tự nhiên. Tiếp tục thực hiện chủ trương xã hội hóa nghề rừng, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện sinh kế cho người dân sống ven rừng. Trong 5 năm, đã tuyên truyền cho 49.830  lượt  người; cấp phát 2.078 cuốn sổ tay cho cán bộ, đảng viên, Nhân dân về pháp luật bảo vệ và phát triển rừng. Đài truyền thanh - Truyền hình huyện tuyên truyền trên sóng phát thanh được 48 lần với 48 phóng sự gương tốt, việc tốt, tuyên truyền lưu động 36 lần đến vùng  sâu, vùng  xa; mở 03 lớp tập huấn với 90 học viên tham gia.

Để quản lý, bảo về và phát triển rừng, huyện Đà Bắc đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp, trong đó việc thực hiện đóng cửa rừng tự nhiên đã có tác động tích cực trong công tác bảo vệ rừng, góp phần tăng giá nguyên liệu gỗ rừng trồng, kích thích người dân trồng rừng kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập cho người làm nghề rừng; tạo động lực cho việc đầu tư, phát triển rừng trồng để thay thế gỗ có nguồn gốc từ rừng tự nhiên. Thông qua chính sách giao đất giao rừng, chi trả dịch vụ môi trường rừng tạo điều kiện cho chủ rừng chủ động đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao năng  xuất, chất lượng rừng, cải thiện nguồn thu nhập từ hoạt động bảo vệ rừng, trồng rừng. Thường xuyên tuần tra, kiểm soát ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về Lâm nghiệp; không xảy ra điểm nóng về phá rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật.

Theo quy hoạch 3 loại rừng huyện Đà Bắc đã được phê duyệt tại Quyết định số 3042/QĐ-UBND ngày 27/12/2018, diện tích đất lâm nghiệp huyện 60.037,4 ha, trong đó quy hoạch diện tích đất phòng rừng phòng hộ 29.008,32 ha, diện tích đất rừng đặc dụng 5.092,3 ha, diện tích quy hoạch rừng sản xuất là 25.936,78 ha. Năm 2022, qua kiểm kê, thống kê công bố độ che phủ rừng toàn huyện, diện tích đất có rừng 47.538,54 ha,  đất đã trồng chưa  thành  rừng  là 3.546,72 ha, độ che phủ rừng chiếm 60,96%. Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh đã phê duyệt ranh giới rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất và ranh giới các chủ rừng trên địa bàn. Thực hiện tốt công tác giải quyết những vấn đề liên quan đến việc tranh chấp về ranh giới rừng, đất lâm nghiệp, ngăn chặn xử lý kịp thời tình trạng lấn chiến đất rừng trái pháp luật, không để phát sinh điểm nóng. Huyện đã tổ chức giao đất, giao rừng cho các tổ chức, hộ gia đình, nhân, cộng đồng dân cư; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng theo đúng quy định. Đồng thời rà soát, khắc phục, giải quyết dứt điểm tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật.

Công tác phát triển rừng được chú trọng, từng bước nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng, phát triển kinh tế rừng, dịch vụ môi trường rừng, phát triển du  lịch  sinh thái gắn với bảo vệ và phát triển rừng. Năm 2022, huyện đã có 04 cơ sở gieo ươm 642.980 cây giống lâm nghiệp các loại trồng, cây giống được kiểm tra đủ hồ sơ giống,  đủ điều kiện lưu thông, trồng rừng trên địa bàn huyện. Diện tích rừng được cấp chứng chỉ, quản rừng bền vững (FSC) 1.664,7 ha (rừng trồng 890,5 ha, rừng tự nhiên là 774,2 ha). Về trồng cây phân tán, đã trồng 237.103 cây, hưởng ứng tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ, nhân dịp đầu xuân năm mới, bình quân hằng năm trồng được 47.420 cây. Trong 05 qua toàn huyện trồng được 5.164,09 ha rừng tập trung. Trong đó, nhà nước đầu tư, hỗ trợ 252,94 ha; Doanh nghiệp 439,7 ha;  Dân  tự  trồng là  4.471,45  ha. Bình quân mỗi năm trồng rừng diện tích được 1.032,82 ha; chăm sóc rừng các năm 3.546,72 ha.

Đối với diện tích rừng tự  nhiên đã được các hộ gia đình, cộng đồng dân cư, Ủy ban nhân dân các  xã, thị trấn quan tâm, chất lượng rừng được nâng lên. 100% diện tích rừng  tự nhiên được hỗ trợ kinh phí cho công tác bảo vệ rừng thông qua hưởng chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Qua đó góp phần nâng cao đời sống của người dân, nâng cao chất lượng rừng, tăng khả năng phòng hộ.

Trong chế biến và thương mại lâm sản, giai đoạn 2017 -2022 khối lượng gỗ bán thô là khoảng 30.000 m3. Số lượng cơ sở chế biến lâm sản trên địa bàn đến hết năm 2022 24 sở, đa số các sở hoạt động cầm chừng, do nguồn nguyên liệu trên địa bàn thu mua được ít, lâm sản khai thác trên địa bàn huyện đều do thương lái và nhân dân tự khai thác, vận chuyển đi tiêu thụ nơi khác, do vậy các cơ sở chế biến chỉ thu mua được khối lượng ít chiếm 9,2% khối lượng gỗ khai thác trên địa bàn  huyện, để chế biến sản phẩm bán ra trên địa bàn và một số thị trường lân cận.

Thời gian tới, dự báo tình hình thời tiết có những diễn biễn phức tạp, khó lường. Mặt khác nhận thức của Nhân dân vùng sâu, vùng xa không đồng đều, nhu cầu về  gỗ củi trong đời sống sinh hoạt của Nhân dân, đất sản xuất, đất ở, đất xây dựng do vậy cũng sẽ  ảnh hưởng đến công tác bảo vệ phát triển rừng trên địa bàn huyện. Việc khai thác lâm sản trái phép nhỏ lẻ, không thường xuyên, rải rác còn xảy ra khó kiểm soát. Tình trạng sang nhượng, chuyển nhượng đất rừng trái phép dẫn đến việc phá rừng tự nhiên để canh tác nương rẫy, đào bới, san ủi có chiều hướng ngày càng phức tạp. Do vậy, huyện xác định phải bảo vệ phát triển rừng bền vững, khai thác hợp và sử dụng hiệu quả tiềm năng đất đai. Xác định cơ cấu cây trồng hợp  lý, nâng cao năng suất và chất lượng rừng bằng nhiều loài cây có giá trị kinh tế. Phát triển rừng trồng theo hướng thâm canh rừng gỗ lớn phù hợp với từng vùng sinh thái và điều kiện lập địa cụ thể, đáp ứng nhu cầu gỗ nguyên liệu và chế biến lâm sản. Phát triển lâm nghiệp gắn với phát triển kinh tế, ổn định xã hội và bảo vệ môi trường, cân bằng sinh thái, phát triển kinh tế rừng toàn diện, bền vững; góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định và từng bước cải thiện, nâng cao đời sống cho người dân, góp phần bảo vệ an ninh quốc phòng, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn./.