Nhưng đến nay, lúa Cáy Nọi lại hiện hữu ở Mai Châu. Việc khôi phục giống lại lúa truyền thống trong điều kiện xây dựng NTM gắn với phát triển du lịch cộng đồng là bước đi đúng đắn của lãnh đạo địa phương.
Năm 2013, được sự hỗ trợ của tổ chức Cohed (tổ chức Phi Chính phủ về hỗ trợ cộng đồng và phát triển), lãnh đạo xã Mai Hịch đã cử người lên xã Chiềng Khừa, huyện Mộc Châu (Sơn La) tìm giống lúa trên về trồng. Do đặc điểm về điều kiện tự nhiên cũng như khí hậu, thổ nhưỡng ở hai nơi phù hợp, lúa Cáy Nọi phát triển tốt ở Mai Châu (Hòa Bình). Trên diện tích đất của gia đình anh Lê Văn Ngoàn, trưởng xóm Cha Lang (xã Mai Hịch), UBND xã Mai Hịch đã xây dựng mô hình điểm về phục tráng lúa Cáy Nọi. Mô hình kết thúc đã sản xuất được khoảng 3.500 kg giống lúa đạt tiêu chuẩn. Chia sẻ về những kinh nghiệm sau vụ mùa năm 2013, anh Lê Văn Ngoạn cho hay: Vụ đầu gia đình tôi trồng lúa Cáy Nọi trên diện tích 730 m2, cho thu hoạch được 3,5 tạ lúa. Lúa Cáy Nọi cao 1,5m nên hay đổ, lúa bông to, nặng. Lúa Cáy Nọi ít sâu bệnh. Thời gian sinh trưởng của giống Cáy Nọi (gần 6 tháng), dài ngày hơn các giống lúa khác nên cần xuống giống trước khoảng 1 tháng. Đặc tính lúa Cáy Nọi chỉ phát triển tốt nhất vào vụ mùa, vụ đông xuân phát triển chậm hơn, khung thời vụ không kịp, nên bà con tập trung vào cấy lúa cấy lúa Cáy Nọi vụ mùa. Hiện đã có 152 hộ gia đình ở Mai Hịch đã đăng ký mua giống lúa của gia đình anh Lê Văn Ngoàn để gieo cấy vụ sau.
Ông Vì Văn Tít, Chủ tịch UBND xã Mai Hịch cho biết: Đã có thời gian dài bị mai một, nhưng người ta vẫn còn biết đến cái tên lúa Cáy Nọi khi đến với vùng đất Mai Châu. Nhiều khách du lịch đến thăm quan tìm mua về làm quà mà không có. Chính điều đó đã thôi thúc chúng tôi phải đi tìm để phục tráng và bảo tồn giống lúa quý. Giống lúa Cáy Nọi tuy năng suất lúa không cao, nhưng chất lượng gạo nếp thơm, ngon, dẻo, chi phí và công chăm sóc không đáng kể, đặc biệt cây lúa hoàn toàn phù hợp với điều kiện khí hậu ở địa phương. UBND xã Mai Hịch có kế hoạch phối hợp với Trung tâm Cohed nhân rộng và phát triển giống lúa Cáy Nọi cho nhân dân toàn xã và các xã lân cận trong vụ mùa năm 2014 và những năm tiếp theo. Kỹ thuật phục tráng giống lúa tuy có phức tạp nhưng nông dân hoàn toàn có thể tự làm được khi được hướng dẫn chi tiết kỹ thuật. Việc nông dân tham gia phục tráng giống lúa Cáy Nọi góp phần tích cực trong việc bảo tồn, phát triển các nguồn gen quý vào sản xuất. Ngoài ra bà con có thể tự sản xuất, chủ động được giống lúa thuần chủng để gieo cấy đảm bảo đúng khung thời vụ.