DetailController

Nông, Lâm, Ngư Nghiệp

Phát triển vùng nguyên liệu gấc: Một dự án triển vọng cho nông dân Lương Sơn

15/10/2014 00:00
Trong những năm qua, nhờ chủ trương chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhiều loại giống cây - con mới đã được nông dân huyện Lương Sơn đưa vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần quan trọng trong công tác xoá đói, giảm nghèo trên địa bàn. Đặc biệt, huyện còn đẩy mạnh liên kết giữa nhà nước, doanh nghiệp, nhà khoa học và người dân trong tiêu thụ nông sản.

Đầu năm 2014, nhiều hộ dân ở Lương Sơn được tiếp cận một loại cây trồng mới, đó là cây gấc do công ty cổ phần Đông Dương đầu tư triển khai sản xuất. Mô hình hợp tác giữa doanh nghiệp - nhà khoa học - người nông dân để trồng gấc mở ra tiềm năng phát triển kinh tế mới, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững.

Từ một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, năm 2011, Công ty cổ phần Đông Dương mạnh dạn chuyển hướng đầu tư sang lĩnh vực nông nghiệp, nghiên cứu và trồng thử nghiệm thành công cây gấc. Tại huyện Lương Sơn, năm 2013, Công ty Cổ phần Đông Dương đã dành 2.500 m2 đất tại Trung tâm thương mại Lương Sơn làm mô hình gấc mẫu để giới thiệu cho nông dân. Vườn gấc mẫu tại thực hiện theo đúng quy chuẩn, cột bê tông, giàn dây cáp điện và che lưới.

Sản xuất gấc nguyên liệu ở Lương Sơn tận dụng tốt được lợi thế tài nguyên đất đai, bởi nhiều gia đình hộ nông dân đều có diện tích đất khá rộng. Việc phát triển cây gấc không đòi hỏi vốn, kỹ thuật canh tác đơn giản, dễ nhân giống, cho thu hái lâu dài phù hợp với tập quán canh tác của người dân địa phương. Ngoài ra còn tận dụng được nguồn chất thải của gia súc, gia cầm làm phân bón. Quả và hạt loại cây này dùng để chế biến vitamin A, dầu gấc, một loại dược liệu quý hiếm cung cấp cho thị trường trong nước và quốc tế. Thực tế sản xuất gấc nguyên liệu để chế biến loại dược phẩm được triển khai ở một số vùng khác đã mang lại hiệu quả kinh tế khá cao.

Ngay sau khi trồng thử nghiệm gấc thành công, Công ty Đông Dương đã tiến hành kí hợp đồng với hơn 50 hộ nông dân của 11 xã trên địa bàn huyện là: xã Tiến Sơn, Trường Sơn, Cư Yên, tân Vinh, Hợp Thanh, Nhuận Trạch, Cao Răm, Hợp Hòa, Hòa Sơn, Liên Sơn và thị trấn Lương Sơn với tổng diện tích là 60,63 ha.  Hộ ít trồng khoảng trên dưới 1000 m2, hộ nhiều tới 7 ha.  ước tính sản lượng vụ đầu đạt từ 15 tấn /ha, tương đương với doanh thu 75 triệu đồng /ha. Trừ chi phí 30-40 triệu đồng /ha, nông dân thu về 35-40 triệu đồng/ha. Vụ thứ 2, thay bổ sung giống gấc cái để đạt 100% diện tích cho sản lượng.Từ đây, mức đầu tư sẽ giảm hơn nhiều, sản lượng tăng dần. Đặc biệt gấc là loại cây trồng có vòng đời thu hoạch khoảng 20 năm và sản lượng tăng lên có thể đạt 25-30 tấn/ha, theo đó doanh thu từ gấc sẽ nâng lên từ 100- 150 triệu đồng/ha. Để tạo điều kiện cho người nông dân, Công ty cổ phần Đông Dương đã liên kết với nhà khoa học đầu ngành, có kinh nghiệp trồng gấc thương phẩm, thành lập bộ phận chuyên trách, phân công cán bộ kỹ thuật phụ trách từng xóm, hộ gia đình, hướng dẫn nông dân quy trình làm đất, ủ phân, khoảng cách gieo hạt, phương pháp bắc giàn, trồng, chăm sóc gấc.  Ngoài việc hỗ trợ toàn bộ kỹ thuật, Công ty hỗ trợ giống, cho nông dân vay không tính lãi 10 triệu đồng /ha trong vòng 2 năm và bao tiêu sản phẩm với giá ổn định trong vòng 3 năm. Với hướng đi mới này, có thể coi  cây gấc là một trong những cây trồng mới, có tiềm năng giúp người nông dân xóa đói giảm nghèo, nâng cao giá trị cuộc sống.

Những ngày đầu tháng 10 này, nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện Lương Sơn đang rất phấn khởi, khi vụ đầu tiên, cây gấc đã cho quả to, sai trĩu, đang vào vụ thu hoạch rộ. Như vậy, mô hình này bước đầu đã hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, là tiền đề xây dựng nền nông nghiệp bền vững - một trong những mục tiêu mà Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới của huyện Lương Sơn hướng tới./.