DetailController

Trồng trọt

Phát triển trồng trọt theo hướng sản xuất hàng hóa

12/10/2023 16:30
Xác định sản xuất nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế; với những lợi thế nhất định, tỉnh ta đang chủ động khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương và thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa các loại cây giống có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, từng bước phát triển trồng trọt theo hướng hàng hóa, quy mô lớn.
Phát triển trồng trọt tập trung, theo hướng sản xuất hàng hóa và ứng dụng khoa học công nghệ tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu

Nhằm nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, các địa phương đã đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hàng hóa, từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung gắn với xây dựng, phát triển thương hiệu nông sản. Với phương châm lấy giá trị kinh tế trên từng đơn vị diện tích canh tác làm thước đo, ngành nông nghiệp đã tập trung hướng dẫn các địa phương về khung thời vụ khép kín, cơ cấu giống cây trồng. Hiện nay, tỉnh đã phát hình thành được các vùng sản xuất cây ăn quả tập trung tại huyện Cao Phong, Kim Bôi, Lạc Thủy, Tân Lạc, Lạc Sơn, Lương Sơn, Yên Thủy. Tính đến năm 2022, diện tích cây ăn quả có múi trên 10 nghìn ha, diện tích kinh doanh 7,4 nghìn ha, sản lượng đạt 15 vạn tấn, giá trị thu nhập đạt 300 - 450 triệu đồng/ha/năm. Tỉnh đã xây dựng được bộ giống cây ăn quả có múi đa dạng, năng suất, chất lượng, đáp ứng yêu cầu rải vụ; triển khai đồng bộ các giải pháp về kỹ thuật, hỗ trợ phát triển sản xuất, chứng nhận chất lượng sản phẩm, xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm... do đó năng suất, sản lượng, chất lượng sản phẩm ngày một đáp ứng với yêu cầu của thị trường. Thị trường tiêu thụ tập trung chủ yếu tại Hà Nội và các tỉnh lân cận, gần đây được mở rộng vào các tỉnh phía nam và một phần xuất bán sang sang thị trường nước ngoài, góp phần nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất.

Bên cạnh đó, diện tích cây rau cũng ngày càng được mở rộng, đặc biệt là diện tích rau sạch, rau hữu cơ. Diện tích gieo trồng rau hàng năm khoảng trên 14 nghìn ha/năm, năng suất trên 15 tấn/ha, sản lượng trên 20 vạn tấn/năm; bước đầu hình thành các vùng sản xuất rau hàng hóa tập trung, có thị trường tiêu thụ, phù hợp với điều kiện sinh thái từng vùng như: vùng sản xuất bí xanh, bí đỏ, dưa hấu, dưa chuột, lặc lày... tại huyện Kim Bôi, Tân Lạc, Yên Thủy; rau hữu cơ huyện Lương Sơn; rau su su huyện Tân Lạc; tỏi tía huyện Mai Châu... Diện tích mía ổn định trên 7 nghìn ha (mía tím và ép nước 5 nghìn ha, mía nguyên liệu 2 nghìn ha); đã ứng dụng giải pháp nhân giống mía tím bằng phương pháp nuôi cấy mô, đưa vào sản xuất đại trà tại huyện Cao Phong, Tân Lạc, Yên Thủy.

Các địa phương quan tâm phát triển cây trồng lợi thế, mở rộng diện tích trồng các loại cây có thế mạnh, tạo lợi thế canh tranh theo vùng miền. Trong đó, các loại cây ăn quả như nhãn, vải, na, chuối duy trì mức ổn định từ 3 - 4 nghìn ha; cây có củ như sắn, dong riềng, khoai lang, khoai sọ diện tích trên 13 nghìn ha; cây công nghiệp hàng năm như lạc trên 4 nghìn ha.

Công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, dồn điền, đổi thửa được chú trọng thực hiện, hình thành những vùng sản xuất tập trung, kết hợp xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, hệ thống thủy lợi phục vụ tưới tiêu, tạo điều kiện cho áp dụng tiến bộ kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất. Trung bình hàng năm toàn tỉnh thực hiện dồn điền, đổi thửa được trên 1.000 ha. Đến nay toàn tỉnh đã thực hiện dồn điền, đổi thửa được 4.407,85 ha; sau dồn điền, đổi thửa, nông dân tích cực đầu tư thâm canh, hình thành các vùng sản xuất tập trung, cánh đồng mẫu lớn, nhóm nông dân tự nguyện liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng được cải thiện, đáp ứng cơ bản  nhu cầu nước phục vụ sản xuất. Cơ cấu cây trồng tiếp tục được chuyển đổi theo hướng đáp ứng nhu cầu của thị trường, chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang cây có giá trị kinh tế cao.

Tỉnh đã xây dựng được một số mô hình liên kết sản xuất, chuỗi giá trị trong sản xuất trồng trọt có giá trị kinh tế cao như: mô hình liên kết trong sản xuất cây gai xanh AP của Công ty CP Tập đoàn An Phước làm nguyên liệu phục vụ công nghiệp dệt may tại các huyện Đà Bắc, Kim Bôi, Lạc Sơn, Mai Châu, quy mô diện tích đạt trên 300 ha, thu nhập trên 150 triệu đồng/ha; mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nhằm tăng khả năng ra hoa, đậu quả trên cây bưởi đỏ tại huyện Tân Lạc, thu nhập trên 350 triệu đồng/ha; chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu mía ăn tươi cho thu nhập trên 200 triệu đồng/ha; chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu bưởi đỏ ở Tân Lạc, bưởi Diễn ở Yên Thủy... thu nhập trên 350 triệu đồng/ha.

Thời gian tới, để tiếp tục phát triển trồng trọt theo hướng sản xuất hàng hóa, quy mô lớn, cần tích cực nghiên cứu chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng chuyển sang cây trồng có lợi thế, có nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa hiệu quả thấp sang trồng các loại cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn. Xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung để nâng cao hiệu quả sản xuất. Khuyến khích doanh nghiệp liên kết ký kết hợp đồng sản xuất, tiêu thụ nông sản với nông dân và phát triển các nhóm nông dân hợp tác tự nguyện, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Nâng cao năng lực giám sát và dự báo, phòng trừ hiệu quả sâu bệnh trên cây trồng. Kiểm soát chặt chẽ sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, khuyến khích người sản xuất sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc trừ sâu sinh học. Cùng với đó, ngành nông nghiệp cũng tích cực hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương, cơ sở xây dựng và phát triển các mô hình liên kết sản xuất, chế biến, kinh doanh theo chuỗi các sản phẩm chủ lực, các sản phẩm có lợi thế của tỉnh; ưu tiên các chuỗi ứng dụng công nghệ cao, áp dụng các quy trình sản xuất nông nghiệp tốt, nông nghiệp hữu cơ, hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, nhằm tạo ra các sản phẩm năng suất, chất lượng góp phần nâng cao giá trị, sức cạnh tranh của sản phẩm./.