DetailController

Trồng trọt

Phát triển sản phẩm nông nghiệp nhóm chủ lực, lợi thế gắn với sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm

16/11/2023 18:55
Trong 3 năm qua, tỉnh đã tập trung cải thiện, nâng cao số lượng và chất lượng nhóm nông sản chủ lực từ sản xuất, sơ chế, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh việc thúc đẩy sản xuất các sản phẩm chủ lực thì hoạt động sơ chế, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm cũng được chú trọng, góp phần nâng cao chất lượng và tăng giá trị của nông sản trên địa bàn. Đến nay trên địa bàn tỉnh có 618 cơ sở sơ chế, chế biến sản phẩm nông lâm thủy sản, với sản lượng trung bình đạt 20.979,47 tấn đạt 7,14% so với tổng sản lượng sản phẩm nông lâm thủy sản trên toàn tỉnh là 293.732 tấn.
Nâng cao chất lượng và tăng giá trị của bưởi đỏ Tân Lạc trên địa bàn

Tổng số cơ sở sơ chế, chế biến có nguồn gốc thực vật trên địa bàn tỉnh là 32 cơ sở, tổng sản lượng sơ chế, chế biến đạt 5.820,95 tấn sản phẩm đạt 2.81% so với tổng sản lượng là 207.493 tấn; các cơ sở sơ chế, chế biến chủ yếu hoạt động với quy mô nhỏ lẻ, có 7 cơ sở quy mô nhỏ. Sản phẩm chủ yếu là sơ chế rau, củ, quả và chế biến chè, măng, các loại rau củ muối, đậu phụ. Tổng số cơ sở sơ chế, chế biến có nguồn gốc động vật là 584 cơ sở, tổng sản lượng sơ chế, chế biến đạt 15.177,22 tấn đạt 19,01%, so với tổng sản lượng chăn nuôi của toàn tỉnh là 79.719 tấn (trong đó sản lượng sơ chế  là 14.256 tấn đạt 17,88 %; sản lượng chế biến là 901,22 tấn đạt 1,13%). Đa số cơ sở sơ chế, chế biến có quy mô siêu nhỏ (đăng ký hộ kinh doanh), sản phẩm chủ yếu là sơ chế thịt gia súc, gia cầm và chế biến giò chả, xúc xích, dăm bông. Tổng số cơ sở sơ chế, chế biến thủy sản là 2 cơ sở, tổng sản lượng sơ chế, chế biến là 1,3 tấn/năm đạt 0,02% so với tổng sản lượng thủy sản của toàn tỉnh là 6.520 tấn. Trong đó 100 % số cơ sở sản xuất có quy mô siêu nhỏ (đăng ký hộ kinh doanh), sản phẩm sơ chế là thủy sản tươi và sản phẩm chế biến chủ yếu là chả cá, cá kho.

Tỉnh chú trọng tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm nông, lâm sản của tỉnh tại các tỉnh, thành phố, các chợ đầu mối, trung tâm thương mại, siêu thị,...; do đó nhiều mặt hàng có thế mạnh của tỉnh Hòa Bình đã vào được hệ thống các siêu thị, Trung tâm thương mại lớn tại Hà Nội như: Big C, Hapro Mart, T Mart, Winmart, Qmart, Coop Mark, Lotte; Fivimart, Biggreen, Sói Biển... Giới thiệu và kết nối cho 66 lượt doanh nghiệp/HTX tham gia các chương trình xúc tiến thương mại nông sản, trong đó kết nối và giới thiệu 02 doanh nghiệp tham gia Hội chợ Quốc tế về Thực phẩm và Đồ uống Fine Food Australia 2022 tại Australia; 03 doanh nghiệp/HTX tham gia 04 gian hàng tại "Chương trình Tự hào Nông sản Việt" diễn ra trên phố đi bộ Hồ Gươm, phố Lê Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội và Hội chợ Xúc tiến thương mại nông nghiệp, sản phẩm OCOP Hà Nội tại Trung tâm Thương mại AEON MALL Hà Đông, địa chỉ: Phường Dương Nội, quận Hà Đông. Chủ động kết nối giữa các hợp tác xã, vùng sản xuất với các doanh nghiệp chế biến để cung cấp nguồn nguyên liệu, hỗ trợ việc đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật của thị trường quốc tế phục vụ xuất khẩu sản phẩm. Từ đầu năm 2023 đến nay đã có 09 doanh nghiệp/hợp tác xã sơ chế, chế biến sản phẩm nông lâm thủy sản thực hiện xuất khẩu sản phẩm sang thị trường nước ngoài (Nhật Bản, Trung Quốc, Vương Quốc Anh và thị trường EU...) với tổng giá trị xuất khẩu đạt khoảng 596,1 tỷ đồng, tính đến hết năm 2023 ước đạt khoảng 656 tỷ đồng. Từ năm 2021-2023, đã cấp 57 mã số vùng trồng (mã số nội địa là 23 mã số, mã số xuất khẩu là 34 mã số) với tổng diện tích là 618,33 ha trên các loại cây trồng như bưởi, nhãn, chuối, thanh long, dưa hấu, cây rau…và 8 cơ sở đóng gói quả tươi được cấp mã số xuất khẩu, các mã số được cấp và quản lý, giám sát theo đúng quy định". Công tác quảng bá, xúc tiến thương mại được đẩy mạnh đã góp phần thúc đẩy và tăng tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp được tiêu thụ ở các thị trường lớn, siêu thị đạt khoảng 20% tổng sản phẩm, đặc biệt là nhóm sản phẩm cây ăn quả có múi, sản phẩm chăn nuôi, thủy sản.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các sở, ngành liên quan thực hiện hỗ trợ bảo hộ sở hữu trí tuệ, xây dựng và duy trì thương hiệu cho 38 sản phẩm chủ lực của tỉnh, cụ thể: 01 chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm Cam Cao Phong; 14 nhãn hiệu tập thể; 23 nhãn hiệu chứng nhận. Tiếp tục duy trì hệ thống truy xuất nguồn gốc, xác thực chống giả và kết nối cung cầu tại địa chỉ hb.check.net.vn, hiện đã có 77 doanh nghiệp/hợp tác xã với 360 sản phẩm tham gia; triển khai dán trên 8 triệu tem truy xuất nguồn gốc để gắn lên sản phẩm của tỉnh Hòa Bình nhằm cung cấp thông tin cho người tiêu dùng cũng như bảo vệ thương hiệu của sản phẩm./.