DetailController

Nông, Lâm, Ngư Nghiệp

Phát triển “Nuôi nhốt trâu, bò vỗ béo” đem lại thu nhập cao

15/10/2013 00:00
Xóm Chiềng Đông, xã Thanh Hối (Lạc Sơn) có 130 hộ/259 nhân khẩu, bà con dân tộc Mường chiếm 98%. Do sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, trước đây đời sống của bà con còn nghèo đói, lạc hậu. Những năm gần đây, nhờ được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể đã tích cực hướng dẫn nhân dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo mô hình “Nuôi nhốt trâu bò vỗ béo” đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Trâu, bò ăn cỏ và nhiều phụ phẩm từ nông nghiệp nên người nuôi tiết kiệm được nhiều chi phí.

Ông Bùi Văn Hiển, Bí thư Chi bộ, Trưởng xóm Chiềng Đông cho biết: Nhờ được sự quan tâm, chỉ đạo của cấp trên, phong trào phát triển kinh tế bằng mô hình nuôi nhốt trâu, bò vỗ béo được duy trì từ năm 2006. Đến nay 100% số hộ trong xóm hưởng ứng thực hiện. Từ thực tiễn ở địa phương cho thấy, đây là mô hình phù hợp, vừa ổn định, bền vững lại cho hiệu quả cao. Thu nhập từ chăn nuôi trâu, bò vỗ béo hiệu quả kinh tế bằng 30-40% giá trị tổng thu nhập của một hộ gia đình trong năm. Tính trong thời gian nuôi 6 tháng đã đạt 40% giá trị vốn ban đầu, nuôi 12 tháng đạt 60% giá trị, nuôi 18 tháng đạt 80%.

Ông Bùi Văn Công (xóm Chiềng Đông) là người nhiều năm có kinh nghiệm nuôi nhốt trâu, bò vỗ béo cho biết: Việc nuôi nhốt trâu, bò vỗ béo tại chuồng nhìn chung đều có lãi. Lãi nhiều, lãi ít tùy thuộc vào giống, vốn ban đầu bỏ ra. Đối với con giống khung to khỏe, tuổi đời già thì thời gian nuôi ít, lãi suất cao. Ngược lại con giống nhỏ, tuổi đời ngắn, thời gian cho xuất chuồng chậm nên lãi suất ít hơn. Cũng theo ông Công, để nuôi nhốt trâu bò đạt hiệu quả kinh tế, cùng với lựa chọn con giống tốt thì việc đầu tư, chăm sóc của người chăn nuôi cũng rất quan trọng. Lợi thế của chăn nuôi trâu, bò là tận dụng được nguồn đất bỏ hoang để trồng cỏ làm thức ăn. Ngoài ra, trầu bò cũng ăn thêm các thức ăn khác như mía, ngô, khoai, sắn... sản phẩm nông nghiệp bà con làm ra nên tiết kiệm nhiều chi phí. Trung bình đàn trâu, bò được gia đình ông nuôi nhốt vỗ béo tại chuồng khoảng 6- 9 tháng thì cho xuất bán, thu lãi khoảng 40 triệu đồng/con.

Thấy gia đình ông Công làm ăn hiệu quả, nhiều hộ đã đến học hỏi làm theo, tuy nhiên cách thức mỗi người có khác. Nhiều hộ trong xóm đã tìm đến các xã, huyện khác, chọn mua những con đực khoảng một năm tuổi gầy gò, về “thúc” từ 3 đến 5 tháng rồi cho xuất chuồng. Với hình thức này, mỗi năm họ thu lãi được từ 2 đến 3 đợt bò, thu lời trên 100 triệu đồng. Ở xã Thanh Hối, các thương lái thường tìm đến tận nơi để mua, vì thế tổng số lượng đàn trâu, bò nuôi nhốt có sự biến đổi liên tục. Thời điểm này, xóm Chiềng Đông có 210 con trâu, bò vỗ béo. Với nguồn thức ăn dồi dào là cỏ, lá mía, lá ngô, sắn.. các hộ gia đình đang tập trung chăm sóc đàn trâu, bò để cho xuất bán vào khoảng tháng 10 đến tháng 11.

Trong khi chăn nuôi lợn đang thua lỗ thì chăn nuôi vỗ béo trâu, bò lại là hướng phát triển kinh tế tốt, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nông dân.

Nuôi nhốt trâu, bò vừa tăng nhanh về trọng lượng, khắc phục được tình trạng trâu, bò thả rông làm ảnh hưởng đến sản xuất hoa mầu, không làm mất vệ sinh đường làng ngõ xóm. Bên cạnh đó, nhờ chế độ ăn uống tốt, nuôi nhốt trong chuồng ít bị tác động của biến đổi thời tiết nên bò ít bị bệnh. Tuy nhiên, thi thoảng bò vẫn gặp một số bệnh như lở mồm long móng, cúm…hộ nuôi cần phát hiện sớm để chữa trị. Các hộ cũng cần thường xuyên vệ sinh phòng bệnh cho bò. Định kỳ tẩy uế chuồng trại, khu vực xung quanh chuồng nuôi. Thức ăn nước uống phải đảm bảo sạch sẽ, an toàn vệ sinh. Đồng thời tiêm vắc-xin phòng bệnh đầy đủ theo hướng dẫn của cán bộ thú y…

Chiềng Đông là xóm đi đầu trong toàn xã về thực hiện mô hình đạt hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên do giá 1con, trâu, bò giống khá cao (khoảng 25- 27 triệu đồng), một số hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn không có điều kiện đầu tư về giống, vốn để phát triển. Các hộ chủ yếu chỉ nuôi nhốt nhỏ lẻ, không có điều kiện thành lập trang trại nên chưa phát huy hết thế mạnh địa phương. Bà con mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, đầu tư vay vốn của Ngân hàng chính sách để có điều kiện chăn nuôi tốt hơn../.